Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trong đó có nội dung quy định mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tại phiên tòa dân sự sơ thẩm (Điều 21, Điều 262). Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên không chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật người tham gia tố tụng mà còn phát biểu việc tuân theo pháp luật của thư ký Tòa án và quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Ngày 31/8/2016 Viện KSNDTC-TANDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS, trong đó có hướng dẫn những nội dung phát biểu của KSV tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm.
Thông qua việc kiểm tra văn bản "Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự" (văn bản) của Viện KSND các huyện, thành phố được ban hành trong thời gian từ ngày 01/7/2016 đến ngày 20/11/2016 thấy rằng, nhìn chung các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên. Một số đơn vị thực hiện tương đối tốt, đảm bảo yêu cầu, ít sai sót. Nhưng bên cạnh đó có đơn vị thực hiện chưa tốt, có nhiều sai sót, không đúng theo quy định. Chúng tôi xin nêu một số dạng vi phạm thiếu sót, để các đơn vị nghiên cứu, rút kinh nghiệm như sau:
1- Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản phát biểu:
- Có văn bản ban hành không đúng quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 8/4/2004; Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư, Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Phần ghi tên cơ quan ban hành văn bản không ghi tên cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp (Viện KSND tỉnh);
Phần ghi số, ký hiệu của văn bản phải ghi là "Số:...../2016/PB-DS" nhưng có văn bản sau phần ghi số không ghi năm và ghi ký hiệu là HNGĐ-ST;
- Có văn bản không ghi ngày tháng năm ban hành văn bản;
Về thể thức văn bản, có văn bản được trình bày bằng hai loại chữ (vừa có phần viết bằng máy vi tính, có phần viết bằng tay); có đoạn còn bỏ trống; viết sai chính tả; gạch xóa;
Bố cục văn bản không đầy đủ các phần theo quy định, thứ tự không thống nhất, không theo một trình tự nhất định (ví dụ không có phần I, II nhưng lại có phần IV);
Văn bản phát biểu phải được gửi cho cơ quan Tòa án cùng cấp nhưng phần nơi nhận văn bản không có tên cơ quan Tòa án;
- Có văn bản không đóng dấu của cơ quan ban hành văn bản.
2. Về nội dung văn bản phát biểu:
- Có văn bản không ghi tên quan hệ pháp luật các đương sự tranh chấp hoặc ghi tên quan hệ pháp luật tranh chấp không đúng;
- Phần ghi tên người tham gia tố tụng, có văn bản ghi không đầy đủ họ tên địa chỉ của người tham gia tố tụng (không ghi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; người đại diện theo ủy quyền; người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự); ghi sai họ tên người tham gia tố tụng; ghi sai tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng (người có QLNVLQ lại ghi là bị đơn);
- Thứ tự nội dung nêu trong văn bản không đúng, ngay sau phần ghi tên người tham gia tố tụng đã nêu tóm tắt nội dung vụ án;
- Phần nhận xét việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án: Có vụ không nhận xét hoặc nhận xét việc tuân theo pháp luật của thư ký không đúng (vụ án không có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lại nhận xét thư ký thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho người này); có vụ nhận xét còn chung chung, không đầy đủ, không cụ thể; khi nhận xét việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán không nhận xét việc lập hồ sơ, xác định quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết;xác định tư cách người tham gia tố tụng đã đúng, đủ chưa; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, việc hòa giải; việc xác minh thu thập chứng cứ đã đảm bảo chưa; về chấp hành thời hạn chuẩn bị xét xử …
- Phần nhận xét việc chấp hành pháp luật của các đương sự: Có vụ không nhận xét đầy đủ việc chấp hành pháp luật của tất cả những người tham gia tố tụng hoặc nhận xét không đúng (có vụ không có người đại diện theo ủy quyền; không có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; không có người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đương sự... nhưng lại nhận xét việc chấp hành pháp luật của những người này; hoặc họ chấp hành không đúng pháp luật nhưng lại nhận xét họ chấp hành đúng...) ;
Có vụ án có nhiều đương sự, có đương sự có mặt, có đương sự vắng mặt tại phiên tòa nhưng nhận xét việc chấp hành pháp luật của họ còn chung chung, không cụ thể đối với từng đương sự;
- Phần phát biểu về việc giải quyết nội dung vụ án:
Có vụ KSV không phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung tranh chấp và các tình tiết của vụ án; không đánh giá nhận định về tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án mà lại nêu luôn quan điểm giải quyết vụ án; có vụ nêu không chính xác nội dung vụ án; hoặc có phân tích, đánh giá, nhận định nhưng sơ sài không đầy đủ, không cụ thể;
Có vụ không nêu, nêu sai, nêu không đầy đủ căn cứ pháp luật hoặc căn cứ quy định tại Điều 45 BLTTDS được áp dụng để giải quyết vụ án;
Quan điểm đề nghị giải quyết vụ án có vụ án không thống nhất; còn chung chung, không cụ thể; không đúng quy định của pháp luật; không đúng tên đương sự (có đương sự vắng mặt tại phiên tòa nhưng lại đề nghị Tòa án giải quyết công nhận sự thỏa thuận; giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất nhưng không xác định rõ số diện tích đất bị đơn phải trả cho nguyên đơn; vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản chỉ đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền lãi mà không xác định rõ số tiền lãi là bao nhiêu; nhiều vụ không đề nghị Tòa án giải quyết án phí như thế nào...)./.
Nguyễn Thị Tuyết - Phòng 9