Nội dung vụ án: Ngày 28/7/2014, Công an huyện N bắt quả tang tại nhà Nguyễn Văn K có các đối tượng Trương Văn C, Hoàng Văn D, Đỗ Mạnh D, Trần Đức Đ, Nguyễn Văn A đánh bạc bằng hình thức sóc đĩa, thu tại chiếu bạc 16.500.000. K đồng ý cho các bị cáo đánh bạc tại nhà mình và cho Hoàng Văn D vay 3.500.000 đồng để đánh bạc. Công an huyện N đã khởi tố 6 đối tượng nêu trên về tội đánh bạc. Tòa án huyện N xét xử sơ thẩm và tuyên phạt:
- Trương Văn C, Hoàng Văn D, Đỗ Mạnh D,Nguyễn Văn A mỗi bị cáo 02 năm tù 06 tháng tù.
- Trần Đức Đ, Nguyễn Văn K mỗi bị cáo 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Hoàng Văn D và Đỗ Mạnh D làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, các bị cáo khác không kháng cáo nên án có hiệu lực pháp luật.
Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại với lý do "Việc điều tra, xét xử cấp sơ thẩm là không đầy đủ, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Vì vậy cần hủy án để điều tra xét xử lại".
Có 2 ý kiến khác nhau về quyết định của bản án phúc thẩm nêu trên:
- Tòa án hủy toàn bộ bản án là có căn cứ, đúng pháp luật theo Điều 241 BLTTHS.
- Tòa án hủy toàn bộ bản án là không đúng theo Điều 230 BLTTHS:
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì Tòa án hủy toàn bộ bản án là không đúng. Bởi lẽ:
Điều 230 BLTTHS quy định về tính chất xét xử phúc thẩm: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”.
Từ quy định này có thể hiểu, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự để xuất hiện xét xử phúc thẩm thì phải có kháng cáo, kháng nghị và phạm vi bản án bị kháng cáo, kháng nghị cũng là căn cứ để xác định phạm vi xét xử phúc thẩm. Điều 230 BLTTHS cũng khẳng định xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai, khắc hẳn với thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây cũng là một trong những quy định cụ thể hóa một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS (nguyên tắc hai cấp xét xử) được quy định tại khoản 1 Điều 20 BLTTHS.
Đó là “Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm”.
Từ các phân tích trên, có thể hiểu xét xử phúc phẩm là việc Tòa án cấp trên kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án và quyết định của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Qua đó, có thể xác định xét xử phúc thẩm có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, Tòa án cấp phúc thẩm không chỉ kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong xét xử của Tòa án cấp dưới mà còn kiểm tra tính đúng đắn của các tình tiết thực tế được xác định trong bản án, tức là đồng thời kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án,
Thứ hai, đối tượng của xét xử phúc thẩm chỉ có thể là những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Điều 241 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “ Phạm vi xét xử phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án".
Từ quy định trên có thể thấy, Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị trước, nếu thấy cần thiết thì mới xem xét đến phần không bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị không bị hạn chế bởi việc quyết định theo hướng có lợi cho người bị kháng cáo (chấp nhận kháng cáo) hoặc theo hướng kháng nghị của Viện kiểm sát (chấp nhận kháng nghị) mà có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản của BLHS về tội nhẹ hơn, giảm bồi thường, miễn hình phạt … thậm chí tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc cũng có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản của BLHS về tội nặng hơn, tăng mức bồi thường … nếu có kháng cáo, kháng nghị theo hướng đó.
Tuy nhiên, BLTTHS không quy định thế nào là trường hợp “cần thiết” cho nên có thể vận dụng hướng dẫn tại mục 4 phần VI Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8/12/1988 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong BLTTHS, “trường hợp cần thiết là trường hợp ở phần không bị kháng cáo hoặc kháng nghị có điểm cần được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”. Mặc dù, được xem xét hầu như toàn bộ nội dung vụ án nhưng khi quyết định thì HĐXX phúc thẩm chỉ được quyết định theo hướng không làm xấu đi tình trạng của bất cứ ai.
Tòa án phúc thẩm chỉ xem xét những phần mà bị kháng cáo, kháng nghị đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Đối với những phần không bị kháng cáo, kháng nghị thì chỉ xem xét đối với những nội dung có thể dẫn đến việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, vấn đề dân sự thì không được xem xét nếu không có kháng cáo, kháng nghị mặc dù có cơ sở để giảm mức bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn có quyền xem xét về phần thủ tục tố tụng trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ngay cả khi không có kháng cáo, kháng nghị.
Từ sự phân tích trên cho thấy nếu HĐXX phúc thẩm nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong phần không có kháng cáo, kháng nghị thì không được làm xấu tình trạng của các bị cáo khác.
Như vậy, căn cứ vào Điều 230 và Điều 241 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xử y án đồng thời kiến nghị đến Tòa án cấp cao để kháng nghị theo thủ tục giám đốc theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Trên đây là bài viết trao đổi về nghiệp vụ, mong sự quan tâm trao đổi của các đồng nghiệp.
Đặng Văn Thụ- Phòng 8