Thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định giải quyết án dân sự của Tòa án nhân cấp huyện, thành phố. Viện KSND tỉnh B đã phát hiện thấy, trong quá trình giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình Tòa án có những vi phạm, thiếu sót như sau:
1. Khi giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con, Tòa án không xác định thời hạn cấp dưỡng (thời điểm bắt đầu và kết thúc việc cấp dưỡng).
Một số bản án giải quyết vụ án tranh chấp HNGĐ, quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự (QĐ CNTTLH) khi giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con, Tòa án chỉ xác định thời điểm kết thúc việc cấp dưỡng mà không xác định thời điểm bắt đầu phải cấp dưỡng; chỉ xác định thời điểm bắt đầu cấp dưỡng mà không xác định thời điểm kết thúc việc cấp dưỡng; không xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc việc cấp dưỡng. Việc Tòa án giải quyết như đã nêu trên là không rõ ràng, không cụ thể, sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án; là thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi bản thân mình...).
2. Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi chưa hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành.
Một số QĐ CNTTLH Tòa án đã ban hành khi chưa hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành là thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ LTTDS năm 2015 (Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự...).
3. Tòa án giải quyết án phí không đúng quy định
Khi giải quyết công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, một số vụ án Tòa án không buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là thực hiện không đúng quy định tại khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Điều 14 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012
Một số bản án, Tòa án xử công nhận thuận tình ly hôn giữa các đương sự; công nhận sự thỏa thuận về việc cấp dưỡng nuôi con nhưng không buộc nguyên đơn phải chịu 200.000đ án phí ly hôn; không buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 200.000đ án phí cấp dưỡng mà chỉ buộc nguyên đơn chịu 100.000đ tiền án phí ly hôn; buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng chịu 100.000đ án phí cấp dưỡng là không đúng quy định tại khoản 12 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
4. Tòa án giải quyết không đúng với sự tự nguyện, thỏa thuận của các đương sự
Có một số vụ án, tại phiên tòa nguyên đơn, bị đơn đều đồng ý ly hôn nhưng Tòa án không giải quyết công nhận thuận tình ly hôn mà lại xử cho nguyên đơn được ly hôn bị đơn là giải quyết không đúng quy định tại Điều 246 Bộ LTTDS năm 2015.
5. Một bên đương sự vắng mặt tại phiên tòa nhưng Tòa án lại xử công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
Có vụ án, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa nhưng Tòa án lại xử công nhận thuận tình ly hôn; xử chấp nhận sự thỏa thuận của nguyên đơn, bị đơn về phần giải quyết nuôi con chung là không đúng quy định tại Điều 246 Bộ LTTDS năm 2015.
6. Không tuyên nghĩa vụ của đương sự phải chịu nếu chậm thi hành án về tài sản; không hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự
Một số bản án, quyết định có giải quyết buộc một bên phải có nghĩa vụ về tài sản đối với bên kia nhưng phần quyết định của bản án, quyết định Tòa án không tuyên rõ là "Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự". Tòa án không tuyên về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án là thực hiện không đúng quy định tại điểm 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997; Công văn số 165/KHXX ngày 18/10/2007 của TAND tối cao; Điều 26 Luật thi hành án dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án; gây khó khăn vướng mắc cho việc thi hành án sau này.
7. Vi phạm về việc ghi ký hiệu, trích yếu bản án, quyết định
Bản án giải quyết vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình, phải ghi ký hiệu là HNGĐ-ST. Nhưng một số bản án Tòa án lại ghi là DSST, DSST-HNGĐ
Bản án giải quyết vụ án tranh chấp dân sự, phải ghi ký hiệu là DS-ST. Nhưng một số bản án Tòa án lại ghi là HĐVTS-ST; TCDS-ST
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải ghi ký hiệu là QĐST-DS nhưng có một số quyết định Tòa án lại ghi là QĐST-HGT; QĐST-TCDS
Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải ghi ký hiệu là QĐST-DS, nhưng một số quyết định Tòa án lại ghi là QĐĐC-ST, QĐST-TCDS
Việc ghi ký hiệu bản án, quyết định như đã nêu trên của Tòa án là thực hiện không đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012. Mẫu 9a, 11a ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012.
Những vi phạm, thiếu sót nêu trên của Tòa án đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các đương sự; ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án dân sự của Tòa án. Để đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; không để tiếp tục xảy ra những vi phạm, thiếu sót như đã nêu trên; góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình của Tòa án; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đã ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh B chỉ đạo TAND các huyện, thành phố có vi phạm, thiếu sót khắc phục, kiểm điểm rút kinh nghiệm, không để tiếp tục xảy ra những vi phạm thiếu sót trong việc giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Tuyết – Phòng 9