Bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án trong đó có các điều quy định về nghĩa vụ phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Đồng thời Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án. Nhưng trong quá trình giải quyết án dân sự, Tòa án vẫn hay mắc lỗi trong việc buộc hoặc không buộc đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Dẫn đến việc pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tôi xin nêu cụ thể một bản án sơ thẩm giải quyết vụ án “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” có nhiều sai sót trong việc giải quyết án phí. Cụ thể như sau:
Khi đề nghị Tòa án giải quyết ly hôn, chị T (nguyên đơn) đã trình bày, chị và anh C (bị đơn) có 03 người con chung. Hiện nay cháu N (19 tuổi) là con thứ 3 của anh chị hiện đang học đại học. Nên chị đề nghị Tòa án giải quyết buộc anh C phải cấp dưỡng nuôi cháu N với số tiền 2.000.000đ/tháng. Toà án cho rằng cháu N hiện đã trên 18 tuổi nên đã xử bác yêu cầu này của chị T và buộc chị T phải chịu 200.000đ án phí do yêu cầu cấp dưỡng không được chấp nhận. Việc Toà án buộc chị T phải chịu số tiền án phí này là giải quyết không đúng quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án đã quy định người yêu cầu cấp dưỡng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Chị T trình bày, chị và anh C có tài sản chung là 200m2 đất và 01 nhà 02 tầng trị giá 400.000.000đ. Chị T đề nghị Toà án chia cho chị và anh C mỗi người một nửa tài sản. Toà án đã xác định đất là tài sản chung và phân chia cho chị T và anh C. Ngôi nhà 02 tầng không phải là tài sản chung của chị T, anh C và xử bác yêu cầu này của chị T; buộc chị T phải chịu 20.000.000đ tiền án phí do yêu cầu xác định tài sản ngôi nhà 02 tầng không được chấp nhận. Việc Toà án xử buộc chị T phải chịu số tiền án phí này là không đúng. Vì theo quy định tại khoản 9 Điều 27 Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án, đương sự trong vụ án hôn nhân gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung thì các đương sự phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia và theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án, trong trường hợp giải quyết chia tài sản chung, phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Vợ chồng ông K và bà C (là bố mẹ đẻ anh C và là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) yêu cầu Tòa án giải quyết huỷ Quyết định và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện V đã cấp cho anh C. Ông K, bà C đã nộp 200.000đ tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu của Tòa án. Tòa án xác định việc UBND huyện V cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh C là đúng quy định của pháp luật nên đã xử bác yêu cầu này của ông K, bà C; buộc ông K, bà C phải chịu 200.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Việc Tòa án yêu cầu ông K, bà C nộp tạm ứng án phí và phải chịu án phí là không đúng. Vì Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/01/2014 hướng dẫn thi hành Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 đã quy định đương sự không phải nộp tạm ứng án phí và không phải chịu án phí đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật.
Chị T và anh C đều thừa nhận anh chị có nợ Ngân hàng N số tiền gốc 30.000.000đ và tiền lãi; và đều đề nghị Toà án giải quyết chia đôi số nợ trên cho anh chị cùng trả nợ. Ngân hàng đề nghị Tòa án giải quyết giao cho người vay tiếp tục thực hiện hợp đồng và trả toàn bộ lãi phát sinh. Như vậy, Ngân hàng đã có yêu cầu Toà án giải quyết đối với khoản tiền đã cho anh C vay. Nhưng Toà án không yêu cầu Ngân hàng phải nộp tiền tạm ứng án phí. Nên Ngân hàng không nộp tiền tạm ứng án phí. Toà án lại thụ lý, giải quyết yêu cầu của Ngân hàng, xử giao cho anh C tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với khế ước vay vốn của Ngân hàng là giải quyết không đúng quy định tại Điều 195, Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Do bản án sơ thẩm có những vi phạm thiếu sót trong việc giải quyết án phí như đã nêu trên, Viện trưởng Viện KSND tỉnh B đã ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm về phần giải quyết án phí để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự./.
Nguyễn Thị Tuyết – Phòng 9