Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện Kiểm sát 2014 đã quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND). Theo đó, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đều quy định: VKSND là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp. VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và Pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Chức năng thực hành quyền công tố là hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Nhằm bảo đảm: Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của VKSND để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật; mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ do Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND quy định, hàng năm, ngành Kiểm sát Bắc Giang đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túcChỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân; thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, tăng cường sự phối hợp với các ngành, kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành nên trong năm 2015 và từ đầu năm 2016 đến nay, kết quả công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện về về mọi mặt, nhiều chỉ tiêu tăng so với những năm trước đây. Trong quá tình thực hiện chức năng của mình, VKSND tỉnh đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBMTTQ, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban pháp chế HĐND… để phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với cả cơ quan kiểm sát và đối tượng bị kiểm sát nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Thông qua việc thực hiện chức năng theo quy định, VKSND đã thực hiện tốt nhiệm vụ là đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm phòng, chống oan, sai trong tố tụng, cụ thể là:
Về kết quả thực thực hiện chức năng trong năm 2015 và từ đầu năm 2016 đến nay: Toàn ngành đã tiến hành 27 cuộc kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết các tố giác tin báo về tội phạm của CQĐT hai cấp, ban hành 48 kiến nghị và nhiều văn bản yêu cầu Thủ trưởng CQĐT hai cấp tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục vi phạm, thiếu sót. Viện Kiểm sát hai cấp đã ra quyết định hủy bỏ 2 quyết định khởi tố vụ án, 01 quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, 01 quyết định không khởi tố vụ án,11 quyết định khởi tố bị can, ban hành 01 văn bản yêu cầu khởi tố bị can và 01 văn bản yêu cầu thay đổi khởi tố bị can, 19 văn bản yêu cầu CQĐT bổ sung tài liệu chứng cứ trước khi quyết định phê chuẩn. Ban hành 41 kiến nghị với Thủ trưởng CQĐT hai cấp yêu cầu tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục một số vi phạm trong hoạt động điều tra. Trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2015 trở lại đây ngành Kiểm sát Bắc Giang đã chú trọng đến công tác kiến nghị với cơ quan , tổ chức hữu quan trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật( đã ban hành 09 kiến nghị).
Thông qua công tác kiểm sát xét xử sơ thẩm đã ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm 12 vụ/23 bị cáo, theo thủ tục tái thẩm 01vụ/01bị cáo; ban hành 21 kiến nghị với Chánh án Tòa án và cơ quan hữu quan yêu cầu khắc phục vi phạm.
Viện Kiểm sát đã hủy quyết định tạm giữ 10 trường hợp, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 09 trường hợp, không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp 02 trường hợp, không phê chuẩn lệnh tạm giam 08 bị can,không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam 06 bị can, hủy bỏ lệnh tạm giam 11, ban hành văn bản yêu cầu CQĐT trả tự do 05 trường hợp, Viện Kiểm sát trả tự do 01trường hợp. Đã tiến hành kiểm sát trực tiếp về thi hành án hình sự 195 cuộc, ban hành 8 kháng nghị và 163 kiến nghị đối với Trại Giam Ngọc Lý,Thủ trưởng CQTHAHS và các cơ quan có liên quan khắc phục vi phạm thiếu sót. Đáng chú ý là thông qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự, đã phát hiện 01 trường hợp người chấp hành án được miễn trách nhiệm hình sự nên đã ra quyết định trả tự do cho phạm nhân này.
Trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính… đã ban hành 43 kháng nghị phúc thẩm, 45 kiến nghị với Chánh án tòa án hai cấp (đều được chấp nhận), phối hợp với Tòa án tổ chức các hội thảo nhằm rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính, chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng và Ngân hàng nhà nước tỉnh về việc xử lý nợ xấu trên địa bàn.
Đã tiến hành 35 cuộc kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, phúc tra 28 cuộc việc thực hiện kiến nghị, ban hành 32 kiến nghị và 05 văn bản yêu cầu đối với Cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án yêu cầu khắc phục vi phạm0.
Tiến hành 30 cuộc kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, ban hành 24 kiến nghị, 11 văn bản đôn đốc yêu cầu các cơ quan tư pháp thực hiện việc giải quyết đơn theo quy định của pháp luật.
Những kết quả đạt được trên của Ngành kiểm sát Bắc Giang đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp , chính đáng của nhân dân.
Về việc phối hợp giám sát để phòng, chống oan, sai trong tố tụng: Những năm qua, quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13 và ngay sau khi có kết luận của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, VKSND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 14/01/2015 triển khai trong toàn ngành thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót mà Đoàn giám sát đã chỉ ra. Sau khi có chỉ thị số 04 /Ct –VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao , lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo việc rà soát, tổng hợp, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về tình hình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống oan, sai trong tố tụng hình sự đặc biệt là các quy phạm Hiến định về quyền con người, quyền công dân, đồng thời coi đây là dịp để ngành KSND có một góc nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, từ đó tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trọng tâm này trong thời gian tới, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp, với MTTQ, Ban Nội chính Tỉnh ủy…, như:
Viện Kiểm sát các cấp chủ động, tích cực phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, với quy mô khác nhau, chú trọng sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; Viện KSND tỉnh Bắc Giang là đơn vị đầu tiên trong Ngành kiểm sát tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh xây dựng “ Đề án lắp đặt hệ thống camera quan sát các phiên tòa ” ở cả hai cấp. Đến nay, Đề án đã được triển khai và tiến hành hoạt động khai thác một cách có hiệu quả.
VKSND tỉnh tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Nội chính Tỉnh ủy để kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động thi hành án dân sự liên quan đến việc thi hành các thu nộp ngân sách đối với Cục trưởng CTHADS tỉnh và Chi cục trưởng THADS các huyện, thành phố; giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án phạt tù đối với các cơ quan Công an, Tòa án nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố. Qua đó tiếp tục phát hiện một số vi phạm, thiếu sót để kịp thời có những chỉ đạo khắc phục và chấn chỉnh .
Chủ động phối hợp với MTTQ, Ban pháp chế HĐND tỉnh trong lĩnh vực kiểm sát, giám sát các hoạt động tư pháp; VKS đã cùng các ngành tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các cuộc giám sát, kiểm sát trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam, thi hành án hìnhsự, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, người bị kết án tử hình đang giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh, trong công tác thi hành án dân sự, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án hình sự … Qua mỗi đợt giám sát, kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã ban hành kết luận, kiến nghị yêu cầu cơ quan có liên quan tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, sửa chữa, khắc phục vi phạm. Sự phối hợp này rất hiệu quả, đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Quan hệ phối hợp giữa Viện Kiểm sát với các cơ quan tư pháp (CA-KS-TA- THA) cùng cấp trong các hoạt động điều tra, truy tố xét xử và thi hành án (cả hình sự và dân sự ) được duy trì thường xuyên, chặt chẽ có hiệu quả.
Trong thời gian tới,ngành Kiểm sát Bắc Giang tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các đạo luật mới về tư pháp; Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao, các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; thực hiện tốt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; tập trung đi sâu chú trọng công tác xây dựng Ngành, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ công tác và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Lưu Thị Lệ Phương