ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -19:09 PM

Một số thao tác, kỹ năng về xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

 | 

Đây là nội dung mới của Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện KSND tối cao ban hành kèm theo Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (gọi tắt là Quy chế 51), quy định cụ thể tại Điều 14 của Quy chế. Quy định này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại trong một số trường hợp cụ thể như: Đơn bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan, sai; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương.

Các trường hợp giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát đã có hiệu lực pháp luật nhưng người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết thì đơn này được xác định là “Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực”. Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện KSND cấp tỉnh về hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự; thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; hoạt động kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính do Viện KSND tối cao kiểm tra.

Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện KSND cấp tỉnh về hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự và kiểm sát xét xử vụ án hình sự; hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật do Viện KSND cấp cao kiểm tra; đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện KSND tối cao do Viện KSND tối cao kiểm tra.

Để đảm bảo việc kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật được chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật thì cần phải tuân theo các bước xử lý và có một số kỹ năng sau:

Thứ nhất, kiểm tra về điều kiện thụ lý, trình tự, thủ tục giải quyết:

Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại phải đáp ứng được điều kiện quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 14 Quy chế 51. Khi Viện KSND cấp trên kiểm tra lại quyết định của Viện KSND cấp dưới thì yêu cầu Viện KSND cấp dưới báo cáo việc giải quyết và cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại để kiểm tra; trực tiếp xuống VKS địa phương để kiểm tra, xác minh khi thấy cần thiết. Theo đó, Viện KSND cấp trên kiểm tra về thẩm quyền giải quyết; thời hạn giải quyết; thể thức văn bản giải quyết; việc xây dựng hồ sơ, các tài liệu, chứng cứ có liên quan mà Viện KSND cấp dưới đã dùng làm căn cứ để giải quyết; việc thông báo thụ lý, gửi văn bản giải quyết cho người có đơn.

Trên thực tiễn, qua nghiên cứu về điều kiện thụ lý đơn, đơn không phải trong trường hợp bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan sai, đơn được báo chí và dư luận quan tâm…nhưng xem xét đơn thư, thấy có vi phạm về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết thì Viện KSND cấp trên vẫn có quyền yêu cầu Viện KSND cấp dưới chuyển hồ sơ và tiến hành kiểm tra, xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, kiểm tra về nội dung giải quyết:

Nội dung giải quyết là yếu tố rất quan trọng có tính chất quyết định, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại, vì vậy cần được kiểm tra, xem xét thận trọng. Viện KSND cấp trên kiểm tra các chứng cứ mà người khiếu nại đã cung cấp để chứng minh cho yêu cầu của mình; kiểm tra văn bản giải trình của người bị khiếu nại, các tài liệu, chứng cứ mà đơn vị giải quyết khiếu nại đã dùng làm căn cứ để ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ thấy chưa rõ thì tiến hành xác minh lấy lời khai của người khiếu nại, người làm chứng...tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, trưng cầu giám định, giám định lại. Từ đó để đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về việc giải quyết khiếu nại của Viện KSND cấp dưới.

Thứ ba, xử lý đối với vụ việc sau khi được kiểm tra

Sau khi kiểm tra, nếu thấy quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật có căn cứ, đúng pháp luật, thì thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra cho người đã gửi đơn và Viện KSND đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; nếu thấy cần thiết thì thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện KSND cấp dưới trái pháp luật hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung giải quyết trước đó thì Viện KSND đã thực hiện việc kiểm tra ban hành quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đó và yêu cầu Viện KSND cấp dưới giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

Để công tác xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đạt chất lượng và hiệu quả cao, Cán bộ được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo ngoài việc tuân thủ các thủ tục, quy trình giải quyết đơn theo quy định tại Quy chế nghiệp vụ của Ngành mà phải có tinh thần học hỏi, nghiên cứu pháp luật và nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

Nguyễn Hồng Hạnh - Phòng 12, VKSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,818,970
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.124.204

    Thư viện ảnh