Sau khi đọc bài viết “Hiểu thế nào cho đúng trong việc quy định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm quy định tại Bộ luật TTHS năm 2003” của tác giả Đặng Văn Thụ - Phòng 8 Viện KSND tỉnh Bắc Giang đăng trên trang tin điện tử của ngành, tôi xin có quan điểm trao đổi như sau:
Liên quan đến tình huống tác giả đưa ra, tại khoản 3, Điều 243 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định về xét xử phúc thẩm “Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này”. Như vậy, BLTTHS chỉ quy định việc bị cáo đang bị tạm giam và được đưa ra xét xử phúc thẩm và bị xử phạt tù, thời gian tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án. Còn tình huống tác giả nêu, bị cáo rút kháng cáo, vụ án được đình chỉ không đưa ra xét xử phúc thẩm, tức là không có việc toà án phúc thẩm xử phạt tù bị cáo, nên việc Toà án tỉnh B ra quyết định tạm giam bị cáo hay không để đảm bảo thi hành án chưa có pháp luật điều chỉnh, mặt khác trong Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTHS năm 2003 không có mẫu quyết định tạm giam cho trường hợp bị cáo rút kháng cáo trước và tại phiên toà.
Tôi cho rằng, trong tình huống tác giả nêu, toà án tỉnh B nên ra lệnh tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án là hợp lý (như quan điểm của tác giả). Nhưng nếu ta khẳng định việc Toà án không ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án theo khoản 3 Điều 243 Bộ luật TTHS là chưa đúng thì chưa có căn cứ, vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Mặt khác, tại Nghị quyết số 05/NQ/HĐTP ngày 08/12/2005 hướng dẫn việc áp dụng điều 243 BLTTHS như sau:
“2.1. Việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn được thực hiện tương tự như các hướng dẫn tương ứng về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003 và mục 9 Phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTHS năm 2003”.
Tại điểm e mục 2 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003 quy định như sau: “e. Trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5 và 6 Điều 107 của BLTTHS hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà nếu bị can đang bị tạm giam, thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam và trả tự do ngay cho bị can, nếu họ không bị giam, giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác”.
Căn cứ Nghị quyết số 05 và 04 nêu trên, trong tình huống tác giả nêu, Toà án tỉnh B nếu không ra lệnh tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án thì phải ra quyết định trả tự do cho bị cáo.
Đây là tình huống phát sinh trong thực tế chưa có quy định hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể, vì vậy cần phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và áp dụng thống nhất.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc./.
Trần Ngọc Nam- Phòng 15