Có thể nói việc áp dụng biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự đã góp phần mang lại hiệu quả rất lớn trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta trong thời gian qua. Hàng loạt vụ án đã được khám phá nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn tác động trực tiếp đến quyền nhân thân của công dân nên các cơ quan có thẩm quyền luôn cẩn trọng khi áp dụng biện pháp này.
Ở mỗi giai đoạn tố tụng hình sự, tạm giam được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng nhằm mục đích đảm bảo cho việc hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng biện pháp tạm giam ở một số giai đoạn tố tụng, trong đó có giai đoạn xét xử phúc thẩm còn gặp vướng mắc cần được nhận thức và áp dụng cho đúng.
Tôi xin nêu ví dụ cụ thể sau đây:
Tạ Văn T bị Tòa án nhân dân huyện L xử phạt 3 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS 1999, T được tại ngoại; sau khi xét xử bị cáo kháng cáo và vụ án được TAND tỉnh B thụ lý. TAND tỉnh B đưa vụ án ra xét xử 3 lần nhưng bị cáo đều vắng mặt không có lý do. Ngày 26/7/2016, TAND tỉnh B ra lệnh bắt giam bị cáo Tạ Văn T tính từ ngày bắt được T cho đến khi xét xử phúc thẩm xong. Ngày 01/8/2016, T bị bắt và bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh B; ngày 08/8/2016, T làm đơn xin rút đơn kháng cáo nên ngày 10/8/2016, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thuộc TAND tỉnh B ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án. Khi ra quyết định này, TAND tỉnh B không ra các quyết định huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam, lệnh tạm giam tiếp theo vì cho rằng BLTTHS 2003 không có qui định trong trường hợp này thì giải quyết việc tạm giam thế nào và xác định quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm coi như vụ án đã được xét xử xong; do đó thời hạn tạm giam đã hết và Tạ Văn T được trả tự do.
Tuy nhiên, do không có quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam nên Trại tạm giam công an tỉnh B không trả tự do cho Tạ Văn T.
Hiện nay đang có hai quan điểm khác nhau về việc TAND tỉnh B không ban hành quyết định giải quyết việc bắt giam Tạ Văn T:
Quan điểm thứ nhất: Việc TAND tỉnh B không ban hành quyết định giải quyết việc tạm giam bị cáo T là đúng.
Quan điểm thứ hai: Việc TAND tỉnh B không ra lệnh tạm giam Tạ Văn T để đảm bảo cho việc thi hành án là không đúng.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ 2, việc TAND tỉnh B không ra lệnh tạm giam T để đảm bảo cho việc thi hành án là không đúng với các lý do sau đây:
Điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định:
1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, Chánh tòa, Phó Chánh tòa phúc thẩm TANDTC quyết định. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 Bộ luật này.
Theo quy định tại Điều 242 BLTTHS 2003, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa phúc thẩm TANDTC, tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án, trừ trường hợp qui định tại khoản 4 và khoản 5 điều 227 của bộ luật này...thời hạn tạm giam là 45 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Như vậy BLTTHS năm 2003 không qui định trường hợp bị cáo rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên tòa vụ án được đình chỉ thì trường hợp bị cáo đang bị tạm giam thì được giải quyết thế nào?
Theo nghị quyết số 05/NQ/HĐTP ngày 08/12/2005 qui định tại tiểu mục 7.2 . Về việc rút kháng cáo, kháng nghị:
a) Trong trường hợp người kháng cáo và Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà (trong vụ án không còn có kháng cáo và kháng nghị), thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Trước khi mở phiên toà việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thực hiện, còn tại phiên toà do Hội đồng xét xử thực hiện. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Tại nghị quyết số 05/NQ/HĐTP ngày 08/12/2005 còn hướng dẫn việc áp dụng điều 243 BLTTHS như sau:
2.1. Việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn được thực hiện tương tự như các hướng dẫn tương ứng về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003 và mục 9 Phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTHS năm 2003.
Như vậy:Theo nghị quyết số 05/NQ/HĐTP ngày 08/12/2005 thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án là đúng pháp luật. Còn hủy bỏ biện pháp tạm giam thẩm phán coi quyết định đình chỉ xét xử là thời hạn tạm giam đã hết, bị cáo đương nhiên được trả tự do là không có căn cứ và không đúng pháp luật như tôi đã viện dẫn ở trên.
Trong trường hợp cụ thể này, Thẩm phán phải báo cáo với Chánh án TAND tỉnh B ra lệnh tạm giam bị cáo Tạ Văn T trong thời hạn 45 ngày để đảm bảo cho việc thi hành án theo khoản 3 điều 243 BLTTHS. Vì không có căn cứ cho Tạ Văn T được toại ngoại.
Trên đây là trao đổi về việc "Hiểu thế nào cho đúng trong việc qui định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003". Mong được các đồng nghiệp nghiên cứu thảo luận.
Đặng Văn Thụ - Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang