ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -03:52 AM

Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc liên quan đến các Bộ luật, Luật (Phần 2. Về tố tụng hình sự)

 | 

Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn cho các Thẩm phán, công chức Tòa án về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua. Sau đây là giải đáp về một số vướng mắc liên quan đến các quy định của BLTTHS:

II. VỀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Một là, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì: “khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của BLTTHS”. Vậy, trong vụ án hình sự, Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong những trường hợp nào?

Việc Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 252 BLTTHS năm 2015. Theo đó, để xác định sự thật khách quan của vụ án, Tòa án thực hiện một trong các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ quy định tại Điều này; trong đó có quy định trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viên kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được, nếu Tòa án xét thấy cần thiết thì có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới đây.

 Hai là, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc xác định người đại diện hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2015 thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi). Do đó, Tòa án có thể xác định cha hoặc mẹ của người chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng. Tuy nhiên, việc xác định người đại diện tham gia tố tụng cho người chưa đủ 18 tuổi phải bảo đảm nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi’’ quy định tại khoản 1 Điều 414 BLTTHS năm 2015. Do vậy, trường hợp có căn cứ cho rằng việc xác định cha, mẹ của người chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi thì Tòa án có thể xác định người thân thích khác của người chưa đủ 18 tuổi (như anh, chị ruột) có đủ điều kiện làm người giám hộ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi. Việc xác định người đại diện tham gia tố tụng trong trường hợp này phải căn cứ vào quy định tại các Điều 48, 49 và 136 BLDS năm 2015.

Ba là, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện trưởng Viện kiểm sát có được kháng nghị đối với Quyết định của Tòa án về việc trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố không?

Khoản 1 Điều 274 BLTTHS năm 2015 về chuyển vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử quy định:

“1. Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thấm quyền truy tố.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.

Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyển xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền.

Theo quy định nêu trên thì khi xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình, Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. Nếu Viện kiểm sát thấy việc chuyển vụ án chưa đúng thẩm quyền thì chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử được thực hiện theo Điều 275 BLTTHS năm 2015. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền mà không được kháng nghị đối với quyết định của Tòa án về việc trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.

Bốn là, trong vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh thể hiện: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn Văn A gửi đến giám định có trọng lượng 122 gam là Hêrôin”. Vậy Tòa án có cần phải trưng cầu giám định hàm lượng nữa không hay đưa vụ án ra xét xử?

Trong các vụ án tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, nếu Kết luận giám định đã khẳng định: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn Văn A gửi đến giám định có trọng lượng 0,122 gam là Hêrôin ” thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử, mà không phải giám định hàm lượng nữa. Việc giám định hàm lượng chỉ đặt ra nếu Kết luận giám định thể hiện chất thu giữ là chế phẩm hoặc có chứa thành phần Hêrôin, bởi giám định hàm lượng trong trường hợp này cũng chỉ nhằm xác định đúng trọng lượng (khối lượng) chất ma túy, làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo đúng quy định của BLHS, bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thế bị hạn chế theo quy định của luật./.

Nguồn: Tạp Chí Kiểm sát

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,426,307
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.116.52.43

    Thư viện ảnh