ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -16:45 PM

Trao đổi bài viết: “Ông Nguyễn văn A có quyền khởi kiện vụ án dân sự hay không” ?

 | 

Sau khi đọc bài viết “Ông Nguyễn Văn A có quyền khởi kiện vụ án dân sự hay không”? của tác giả Nguyễn Đức Sơn, đăng trên Trang tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 03/8/2016, xin có một vài ý kiến trao đổi như sau:

>>> Ông Nguyễn Văn A có quyền khởi kiện vụ án dân sự hay không ?

Thứ nhất, Bộ luật tố tụng dân sự có nhiệm vụ góp  phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân… . Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật tố tụng dân sự quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 1, Điều 4 và Điều 186 BLTTDS năm 2015).

Thứ hai, tại thời điểm ông A làm đơn khởi kiện thì ông A đang có quyền chiếm hữu và quyền sử dụng hợp pháp (chỉ không có quyền định đoạt) đối với toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất (cụ thể là 700m2 đất do anh B đứng tên chủ sử dụng). Ông A thực hiện các quyền này liên tục và công khai từ năm 1995 đến nay và không có tranh chấp. Điều này có thể hiểu ông A là người được anh B ủy quyền  quản lý tài sản. Do đó, ông A được thực hiện quyền chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, cách thức và thời hạn do chủ sở hữu xác định (Điều 185 Bộ luật dân sự 2005).

Thứ ba, theo ông A, chị Nguyễn Thị T là hộ sử dụng đất liền kề đã tự ý phá tường rào cũ, xây tường rào mới có chiều dài 10m, chiều cao 02m lấn sang phần đất của ông A là trực tiếp xâm hại đến quyền vàlợi ích hợp pháp của ôngA được pháp luật bảo vệ.

Thứ tư, khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì ông A có quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp theo Điều 259 BLDS 2005, “khi thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó; nếu không có sự chấm dứt tự nguyện thì có quyền yêu cầu Tòa án …buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.

Căn cứ Điều 260 BLDS 2005 quy định về Quyền yêu cầu bồi thường:“... người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm ...quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại”, do đó ông A có quyền yêu cầu Tòa án buộc chị T phải bồi thường giá trị tường bao mà chị T đã tháo dỡ.

Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông A không phải là chủ sử dụng đất, ông A không có quyền khởi kiện là chưa chính xác, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả Nguyễn Đức Sơn, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

Đặng Minh Hà – Viện KSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,816,679
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.152.49

    Thư viện ảnh