ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -03:51 AM

Trách nhiệm trả nợ của vợ chồng sau ly hôn

 | 

Quá trình tổ chức thi hành án dân sự có nhiều khó khăn vướng mắc, khó thi hành. Việc áp dụng Luật dân sự để giải quyết còn chưa thống nhất với Luật Thi hành án dân sự và tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể sau:   

Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2012/DSST ngày 01/01/2012 của Tòa án nhân dân huyện H quyết định vợ chồng ông Nguyễn Văn A và bà Đỗ Thị D phải có trách nhiệm liên đới trả ông Nguyễn Văn T số tiền 400.000.000đ. Bản án có hiệu lực pháp luật, ông T có đơn yêu cầu thi hành án và được Chi cục Thi hành án dân sự huyện H ra quyết định và tổ chức thi hành.

Ngày 18/11/2015, ông A yêu cầu Tòa án nhân dân huyện H giải quyết ly hôn với bà D và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất diện tích 500m2 và ngôi nhà trên đất. Quá trình giải quyết vụ án hôn nhân gia đình, Tòa án nhân dân huyện H không đưa Chi cục THADS huyện H và ông Nguyễn Văn T tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án vì Tòa án cho rằng:

  Tại thời điểm giải quyết vụ án HNGĐ trên, Chi cục THADS vẫn đang tổ chức thi hành án nhưng chưa có quyết định kê biên, cưỡng chế quyền sử dụng đất 500m2 và nhà trên đất của ông A, bà D.

Đối với ông Nguyễn Văn T đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Bản án HNGĐ sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Bà D có đơn yêu cầu thi hành án; Chi cục THADS có công văn khiếu nại đề nghị xem xét lại bản án HNGĐ theo thủ tục Giám đốc thẩm vì không tổ chức thi hành án cho ông T được với lý do: Bản án HNGĐ không xác định nghĩa vụ trả nợ của ông A, bà D trong khối tài sản chung để trả cho ông T số tiền 400. 000.000đ. Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành thì bà D và ông A đều không thực hiện nghĩa vụ vì cho rằng chưa rõ số tiền phải trả cụ thể của từng người. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bản án HNGĐ cần đưa Chi cục Thi hành án dân sự huyện H và ông T vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để đảm bảo quyền lợi của ông T theo quyết định của bản án DSST số 01 ngày 01/01/2012.

Quan điểm thứ hai: Không cần đưa Chi cục Thi hành án và ông T vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vì bản án dân sự đã tuyên vợ chồng ông A và D có trách nhiệm liên đới trả ông T số tiền 400.000.000đ, Người được thi hành án có quyền yêu cầu một trong hai người có trách nhiệm trả nợ cho mình theo Điều 298 Bộ luật dân sự, khoản 1 Điều 298 Bộ luật dân sự quy định: “ Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”

Khoản 2 Điều 298 Bộ luật dân sự quy định: “ Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình”.

Tuy nhiên, nhận thấy rằng Bản án HNGĐ quyết định ông A được sở hữu toàn bộ nhà và đất nhưng có nghĩa vụ trích chia cho bà D số tiền 500.000.000đ. nếu theo quy định tại khoản 2 Điều 298 BLDS thì ông A vừa phải trích chia cho bà D số tiền 500.000.000đ vừa là người phải thi hành án đối với nghĩa vụ chung của vợ chồng đối với ông T thì có đảm bảo quyền lợi cho ông A và liệu có khả năng thi hành đối với yêu cầu của ông T không ?

Quan điểm cá nhân Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất vì để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án thì cần đưa Chi cục thi hành án dân sự vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan để cơ quan thi hành án biết được tình trạng tài sản của người phải thi hành án tránh trường hợp người phải thi hành án tẩu tán tài sản.

Tôi mong nhận được ý kiến tham gia đóng góp của các đồng nghiệp.

Dương Thị Thúy- VKSND huyện Hiệp Hòa

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,426,302
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.76.209

    Thư viện ảnh