Đảm bảo quyền khởi kiện cho đương sự là một trong những nguyên tắc quan trọng được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do pháp luật chưa quy định rõ ràng nên việc nhận thức và áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự còn chưa được đảm bảo. Dưới đây xin nêu một vụ việc cụ thể để bạn đọc cùng trao đổi.
Ông Nguyễn Văn A cho rằng, năm 1987 gia đình ông được Nhà nước cấp 700m2 đất ở tại khu Đ, thị trấn C, huyện L. Năm 1990 ông được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình sử dụng đất, ông đã xây tường làm hàng rào bao quanh đất. Năm 1995 ông đã làm thủ tục tặng cho con trai là anh Nguyễn Văn B toàn bộ đất và tài sản gắn liền với đất. Anh B đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng ông vẫn là người quản lý, sử dụng đất từ đó cho đến nay. Quá trình sử dụng, hộ liền kề là chị Nguyễn Thị T đã phá dỡ tường bao, xây tường lấn sang diện tích đất của gia đình ông chiều dài 10 m x cao 2 m. Ông A khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc chị T phải tháo dỡ tường bao trả lại ông diện tích đã lấn chiếm và bồi thường trị giá tường bao mà chị T đã tháo dỡ.
Chị Nguyễn Thị T trình bày, gia đình chị không lấn chiếm đất của gia đình ông A. Chị không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông A. Diện tích đất 700m2 ông A đã cho con trai là anh B, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện đứng tên anh B. Ông A không có quyền khởi kiện.
Tòa án cấp sơ thẩm huyện L cho rằng, ông A không phải là chủ sử dụng đất, vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh B. Ông A không có quyền khởi kiện nên đã áp dụng khoản 3 Điều 128, khoản 1 Điều 130; Điều 138; điểm c khoản 1 Điều 192; khoản 3 Điều 193, Điều 194, 243; khoản 2 Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 (Bộ LTTDS năm 2011) quyết định: Đình chỉ giải quyết vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn A với bị đơn là chị Nguyễn Thị T.
Ông A kháng cáo không đồng ý việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh Q đã mở phiên họp xét kháng cáo của ông A và cho rằng ông A có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu của mình. Việc Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng nên đã áp dụng điểm c khoản 5 Điều 280 Bộ LTTDS năm 2011: Hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm huyện L tiếp tục giải quyết vụ án.
Việc giải quyết yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của ông A có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, ông A đã chuyển quyền sử dụng, sở hữu diện tích đất 700m2 và tài sản gắn liền với đất cho anh B. Anh B đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại thời điểm xảy ra tranh chấp, ông A không còn là chủ sử dụng đất. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168, điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ LTTDS năm 2011 thì ông A không có quyền khởi kiện và việc Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án là có căn cứ. Việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án là không đúng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, ông A có quyền khởi kiện. Vì theo quy định tại Điều 161 Bộ LTTDS năm 2011 mọi cá nhân đều có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án cấp sơ thẩm phải thụ lý vụ án và giải quyết yêu cầu của ông A. Quá trình giải quyết, nếu xem xét thấy có căn cứ thì chấp nhận yêu cầu, không có căn cứ thì bác yêu cầu của ông A. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của ông A. Việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án là đúng.
Trên đây là 2 quan điểm khác nhau về việc giải quyết 01 vụ án. Tác giả xin nêu ra cùng bạn đọc trao đổi, để việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.
Nguyễn Đức Sơn- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang