ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -03:13 AM

Trao đổi bài viết:Tòa án tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước có đúng không ?

 | 

Ngày 23/5/2016, tác giả Dương Thị Hồng Tiến có bài viết trao đổi nghiệp vụ với tiêu đề “Tòa án tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước có đúng không?”. Tôi có ý kiến trao đổi như sau:

>>>Tòa án tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước có đúng không ?

Tóm tắt nội dung vụ án:

Ngày 15/11/2015, Nguyễn Văn A điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 29Z1-1234 đi từ nhà đến nhà bạn là Nguyễn Thị B chơi nhưng do B không có ở nhà nên A điều khiển xe ra về. Trên đường về nhà, A nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. A đến nhà bà Nguyễn Thị C và phát hiện thấy trong sân nhà có 1 chiếc máy cưa. Quan sát thấy không có người trông coi, A đã dựng chiếc xe mô tô trên ở ngoài đường rồi đi vào trộm cắp chiếc máy cưa. Khi A cầm chiếc máy cưa ra đến cổng thì bị mọi người bắt quả tang. Kết luận định giá tài sản xác định chiếc máy cưa trị giá là 3.000.000 đồng. Kết quả điều tra xác định chiếc xe mô tô biển kiểm soát 29Z1-1234 là tài sản riêng của A.

Tòa án nhân dân huyện đã xét xử và tuyên Nguyễn Văn A 10 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Về xử lý vật chứng: Tòa án áp dụng điểm a Khoản 2 Điều 76 BLTTHS, điểm a Khoản 1 Điều 41 BLHS tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước chiếc xe mô tô trên của Nguyễn Văn A.

Tác giả đưa ra hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Tòa án tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước chiếc xe trên là đúng. Bởi lẽ, A đã sử dụng chiếc xe mô tô đi đến nhà bà C sau đó vào trộm cắp tài sản. A sẽ sử dụng  chiếc xe xe mô tô này để vận chuyển, việc bị cáo bị bắt quả tang là ngoài ý thức chủ quan của bị cáo nên cần tịch thu chiếc xe mô tô của A theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS, điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS. 

Quan điểm thứ hai: Tòa án tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước chiếc xe trên là không đúng. Vì Nguyễn Văn A không có mục đích từ đầu là sử dụng chiếc xe mô tô trên làm phương tiện dùng vào việc phạm tội. Mặt khác, bị cáo chưa sử dụng chiếc xe này để vận chuyển tài sản trộm cắp.

Theo quan điểm của tôi:

Trước hết xác định chiếc xe mô tô BKS 29Z1-1234 là tài sản của A. Do vậy, A có quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt. Khi A điều khiển chiếc xe này là A đang sử dụng nó vào mục đích là đi trộm cắp tài sản; thực tế A đã trộm cắp và bị bắt quả tang. Như vậy, hành vi dùng xe mô tô của mình để đi trộm cắp chiếc cưa máy của Nguyễn Văn A đã cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS mà không nhất thiết phải dùng chiếc xe này vào việc vận chuyển tài sản trộm cắp được hoặc phải có ý định đem xe máy đi trộm cắp tài sản ngay từ đầu. Việc A bị bắt trước khi lên xe mô tô của mình để vận chuyển tài sản trộm cắp được là ngoài ý muốn của A. Do vậy phải xác định chiếc xe này là phương tiện để A dùng vào việc đi trộm cắp tài sản.

 Từ những phân tích như trên, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS và điểm a Khoản 2 Điều 76 BLTTHS để tuyên tịch thu sung quỹ chiếc xe mô tô BKS 29Z1-1234.

Trên đây là bài viết trao đổi của tôi mong được sự đóng góp ý kiến của bạn động và đồng nghiệp./.

Dương Đức Thanh-VKS huyện Tân Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,426,030
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.21.247.78

    Thư viện ảnh