Thực tiễn cho thấy, tình hình xét xử các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân tập trung nhiều vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật còn các tội phạm khác có xảy ra nhưng chiếm tỷ lệ rất ít. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm rõ những quy định của BLHS để xử lý về tội này là vấn đề quan trọng. Qua nghiên cứu Điều 157 BLHS năm 2015, tôi thấy có những khó khăn, vướng mắc như sau:
Về mặt khách quan của tội phạm: Điều luật quy định ba hành vi phạm tội. Các hành vi này đều là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở hình thức thể hiện gồm bắt, giữ hay giam người trái pháp luật. Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể một người (hay nhiều người) có hành vi bắt, giữ hay giam người trái pháp luật trong thời gian bao lâu mới bị coi là phạm tội hay mới bị coi là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, từ đó dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong các vụ án.
Ví dụ: Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B có hành vi bắt, giữ chị Nguyễn Thị C trong thời gian 05 phút (hoặc 15 phút, 30 phút, 2 giờ, 4 giờ) thì trường hợp nào sẽ là phạm tội? Rõ ràng, vấn đề này cũng cần có hướng dẫn chính thức của các nhà làm luật hoặc quy định trong BLHS, tránh dẫn đến việc nhận thức và áp dụng không thống nhất trong một số vụ án cụ thể.
Để thống nhất việc xử lý hành vi phạm tội này, tôi thấy cần thiết phải được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể. Qua đó để bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Nguyễn Mậu Sơn- VKShuyện Việt Yên