Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự xảy ra trường hợp, Cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án đối với phần án phí và tiền phạt dẫn tới việc người bị kết án không đủ điều kiện để xóa án tích, bị coi là tái phạm khi phạm tội. Chúng tôi xin nêu một vụ việc cụ thể:
Ngày19/4/2000, Phạm Trung C bị TAND huyện Lục Nam xử phạt 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 10.000.000 đồng). Ngày 28/9/2000, C thi hành xong hình phạt tù. Năm 2001, C đã bồi thường xong trách nhiệm dân sự cho người bị hại. Riêng phần án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm do Tòa án không chuyển bản án cho Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Lục Nam nên C không thi hành khoản này. Cơ quan thi hành án dân sự huyện xác nhận không nhận được bản án của TAND huyện mà chỉ nhận được bản án khi người bị hại có đơn yêu cầu thi hành án phải bồi thường thiệt hại (năm 2001) nên không ra quyết định thi hành án phần án phí HSST và DSST đối với C.
Ngày 01/01/2015, Phạm Trung C có hành vi đánh bạc thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 248 BLHS. Có hai quan điểm đối với Phạm Trung C trong việc xác định C có tái phạm hay không.
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của C thuộc trường hợp tái phạm vì C chưa chấp hành xong án phí theo quy định nên tính đến ngày 01/01/2015 chưa đủ điều kiện để xóa án tích theo quy định các Điều 64, 67 BLHS.
Quan điểm thứ hai: Hành vi của Phạm Trung C không thuộc trường hợp tái phạm. Vì do cơ quan Nhà nước có lỗi không ra Quyết định thi hành án chủ động đối với C về các khoản án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm, Việc C chưa chấp hành phần tiền phạt, án phí là lỗi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi không ra Quyết định thi hành án chủ động đối với C về các khoản án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm. Theo quy định tại Điều 55, Điều 64 BLHS tính đến thời điểm ngày 01/01/2015, C đương nhiên được xóa án tích.
Quan điểm của cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Văn Chuyên- Viện KSND huyện Lục Nam