Ngày 05/02/2016, tác giả Đặng Đức Hùng - Viện KSND huyện Việt Yên có nêu vấn đề trao đổi nghiệp vụ về “Một số kỹ năng của cán bộ Kiểm sát trong công tác tiếp công dân” trên trang điện tử Viện KSND tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đồng ý với các kỹ năng tác giả đã nêu. Theo chúng tôi, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, cán bộ Kiểm sát cần phải hiểu và nắm rõ các cơ sở pháp ý như Luật tiếp công dân năm 2013; Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2016 (gọi tắt là Quy chế số 51)…
>>> Một số kỹ năng của cán bộ Kiểm sát trong công tác tiếp công dân
Theo Luật tiếp công dân năm 2013, Quy chế số 51 thì mục tiêu của việc tiếp công dân trước hết là để lắng nghe nguyện vọng của dân, những khúc mắc của dân liên quan trực tiếp tới hoạt động của bộ máy công quyền, sau đó giải quyết các khiếu nại, tố cáo phát sinh từ hoạt động của các cơ quan Nhà Nước, nhằm khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm hại hoặc làm rõ hành vi vi phạm của cán bộ công chức; đồng thời giúp các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật của Nhà Nước cho phù hợp; từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước ta. Cán bộ tiếp công dân phải thực hiện một loạt thao tác thể hiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức xã hội, nghệ thuật ứng xử…. Thông qua đó thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mỗi người cán bộ Kiểm sát cần nâng cao các kỹ năng góp phần tích cực vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
- Một là, văn hóa tiếp công dân: Đó là thái độ niềm nở của cán bộ tiếp công dân trong việc đón nhận ý kiến phản ánh của ngườidân; là tinh thần tận tụy vì dân, trách nhiệm giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách kịp thời, thỏa đáng đồng thời tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật. Tại Quy chế 51 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao đã quy địnhrõ: “Người tiếp công dân phải mặc trang phục Ngành đúng quy định; không hứa hẹn hoặc thông báo cho công dân nội dung hoặc kết quả giải quyết chưa được kết luận chính thức bằng văn bản; việc tiếp nhận đơn, khiếu nại, tố cáo và tài liệu, chứng cứ liên quan phải cấp giấy biên nhận.” Trong thực tiễn, công dân đến Phòng tiếp dân thường mang theo nhiều bức xúc. Nếu cán bộ tiếp dân không mềm dẻo, trách nhiệm thì không hoàn thành nhiệm vụ, mặt khác có thểgây phản ứng, bức xúc từ người dân.
- Hai là, việc tiếp công dân phải được tiến hành công khai, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện tại nơi tiếp công dân; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luât; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; không được tiếp công dân ngoài nơi quy định.
- Ba là, nâng cao trách nhiệm của người tiếp công dân: Khi tiếp nhận đơn và các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp thì cán bộ tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin, tài liệu, bằng chứng và lập giấy biên nhận về việc tiếp nhận, có chữ ký của cán bộ và công dân. Những tài liệu này phải được ghi vào sổ tiếp công dân và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính. Khi có nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì cán bộ tiếp công dân yêu cầu cử đại diện để trình bày với cán bộ tiếp công dân. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, gây mất an ninh trật tự thì cán bộ tiếp công dân phải nhanh chóng nắm bắt tình hình, nội dung cơ bản của vụ việc, các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan. Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp đã qua nhiều lần, nhiều cấp giải quyết nhưng công dân vẫn không đồng ý thì cán bộ tiếp công dân báo cáo thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để đề nghị Công an đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải quyết cử cán bộ phối hợp tiếp hoặc vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân về đơn vị, địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời làm tốt công tác, phân loại xử lý đơn; chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân. (Điều 8, Luật tiếp công dân năm 2013).
Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ giúp cho các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, giải quyết các sự việc một cách khách quan, minh bạch, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Để làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Ngành, đòi hỏi mỗi cán bộ nói chung và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng phải có kiến thức rộng, am hiểu đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà Nước; thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để có thể giải đáp, giải quyết yêu cầu của nhân dân một cách hiệu quả, đồng thời làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất giúp Lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt các biện pháp quản lý Nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp.
Vi Xuân Vượng- Nguyễn Hồng Hạnh - Phòng 12