ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -12:30 PM

Một số điểm mới về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

 | 

Ngày 02/02/2016, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 51/QĐ/VKSTC-V12 kèm theo Quy chế “tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”, thay thế Quy chế 59 ngày 06/02/2006 và Quyết định số 487 ngày 04/9/2008. Ngày 02/02/2006, Vụ kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo có Công văn số 419/VKS-V12 chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế 51 trong toàn ngành. Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12 căn cứ các quy định mới của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và các đạo luật liên quan mới được ban hành năm 2015, cũng như kế thừa những quy định còn phù hợp của Quy chế số 59 và Quyết định số 487. Quy chế gồm 7 chương, 25 điều, giảm 5 điều so với quy chế trước đây nhưng nội dung quy định cụ thể, chặt chẽ, chi tiết hơn về tất cả các khâu trong lĩnh vực công tác tiếp công dân; tiếp nhận đơn, phân loại đơn, xử lý đơn đến công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.Theo Quy chế này có nhiều điểm mới về nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát  (VKS) trong kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, chú trọng công tác kiểm sát thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, về áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án… trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, cụ thể như sau:

1. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp:

- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng hình sự; tố tụng dân sự; tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo Bộ luật tố tụng hình sự; Bộ luật tố tụng dân sự; Luật tố tụng hành chính.

- Thẩm quyết giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự; trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Viện KSND và Chương về khiếu nại, tố cáo Luật thi hành án hình sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam

- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp:

+ Khiếu nại hành vi, quyết định; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên; Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp nào do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết mà khiếu nại tiếp thì Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên là quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

+ Khiếu nại hành vi, quyết định; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng VKS cấp dưới do Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Về nhiệm vụ và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Quy chế 51 đã quy định thêm phần nhiệm vụ và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị chủ trì, cụ thể: 

- Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết: Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền; kết quả giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Viện trưởng của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính…

- Đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu giúp Viện trưởng giải quyết: Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Khiếu nại hành vi, quyết định quản lý, giáo dục phạm nhân; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân. Khiếu nại hành vi, quyết định; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình; hành vi, quyết định; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền; kết quả giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

- Đơn vị Kiểm sát thi hành án dân sự có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu giúp Viện trưởng giải quyết các khiếu nại hành vi, quyết định, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng VKS cấp mình; hành vi, quyết định; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền; kết quả giải quyết khiếu nại của VKS cấp dưới thuộc thẩm quyền trong kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

 - Các đơn vị nghiệp vụ khác có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu giúp Viện trưởng giải quyết: Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng VKS cấp mình trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam. Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra cùng cấp đã được Viện kiểm sát phê chuẩn; kết quả giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp đối với khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của cán bộ điều tra, Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra...

3.  Về trách nhiệm phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Theo đề nghị của đơn vị chủ trì giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đơn vị nghiệp vụ khác và VKS cấp dưới có nhiệm vụ: Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo. Giải trình bằng văn bản với người có thẩm quyền giải quyết về hành vi, quyết định bị khiếu nại, tố cáo; trường hợp VKS cấp dưới hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải trình, thì các đơn vị nghiệp vụ khác có ý kiến bằng văn bản đối với việc giải trình. Tham gia xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo. Thẩm định nội dung khiếu nại, tố cáo và chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo. Phối hợp thực hiện các thủ tục khác của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Các đơn vị chủ trì giải quyết khiếu nại theo quy định tại các điểm b, c, và d khoản 1 Điều 13 và Điều 16 có trách nhiệm thông báo việc thụ lý và kết quả giải quyết khiếu nại về đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cùng cấp để theo dõi, tổng hợp chung.

4. Về xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật

Đây là nội dung mới so với Quy chế số 59 năm 2006. Điều 14 Quy chế số 51 đã nêu rõ các bước xử lý đối với loại đơn này, kể từ việc xác định loại đơn, điều kiện kiểm tra, xử lý đơn, trình tự kiểm tra, thủ tục kiểm tra cho đến khi kết thúc việc kiểm tra đối với loại đơn này. Các trường hợp khiếu nại trong hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát đã có hiệu lực pháp luật  nhưng người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết thì đơn này được xác định là“Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực”.

Theo điểm b, khoản 1, Điều 14 Quy chế số 51 thì đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện Kiểm sát chỉ được xem xét kiểm tra khi có một trong những điều kiện sau: “Đơn bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan, sai; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương”. 

Trên đây là những điểm mới của Quy chế số 51 có ý nghĩa rất lớn quan trọng trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát.

Nguyễn Hồng Hạnh- Phòng 12

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,812,626
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.146.206.87

    Thư viện ảnh