ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -22:26 PM

Một số kỹ năng trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra

 | 

Thực hiện các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát trong việc nghiên cứu hồ sơ đề nghị phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra như đề nghị phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam… là các hoạt động thường xuyên của các cán bộ, Kiểm sát viên.

Thông thường để hoàn thiện việc phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra theo một vụ án cụ thể thì cán bộ, Kiểm sát viên phải tiến hành nhiều thao tác nghiệp vụ cơ bản như: Nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ và đối chiếu với các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn có liên quan xem việc đề nghị phê chuẩn của cơ quan điều tra có căn cứ hay không có căn cứ; Tiến hành trích hồ sơ và phô tô lại các liệu chứng cứ quan trọng có trong hồ sơ; viết phiếu đề xuất; đánh máy các quyết định phê chuẩn theo mẫu nghiệp vụ của ngành kiểm sát; báo cáo, đề xuất lãnh đạo xét duyệt và ký phê chuẩn; dự thảo Yêu cầu điều tra…Thời hạn để hoàn thiện việc phê chuẩn tùy theo từng loại lệnh, quyết định như thời hạn phê chuẩn bắt khẩn cấp là 12 giờ, thời hạn phê chuẩn khởi tố bị can là 3 ngày…

Đối với những Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm, năng lực, trình độ tốt thì việc này khá quen thuộc và hoàn thành rất nhanh chóng, hiệu quả nhưng đối với những cán bộ mới vào ngành, Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm thì chúng tôi thấy để hoàn thiện được một hồ sơ đề nghị phê chuẩn, mặc dù không vi phạm thời hạn luật định nhưng họ mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác nói chung. Vì vậy, qua bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp đó một số kỹ năng hay có thể gọi là một số “mẹo” giúp cho các bạn hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê chuẩn nhanh hơn, hiệu quả hơn và ít để xảy ra sai sót kỹ thuật hơn.

1- Kỹ năng thứ nhất: Dùng chung cho tất cả các trường hợp xét phê chuẩn:

Trở lại vấn đề các thao tác nghiệp vụ cơ bản như đã nêu ở trên và theo quy chế nghiệp vụ thì các cán bộ, Kiểm sát viên đều phải thực hiện đầy đủ các thao tác đó khi hoàn thiện việc xét phê chuẩn. Vấn đề mà chúng tôi muốn nói ở đây là bạn thường thực hiện thao tác nào trước? thao tác nào sau? Đa số các bạn thường thực hiện theo thứ tự sau: Thao tác đầu tiên là việc nghiên cứu hồ sơ và văn bản liên quan sau đó mới sao, trích hồ sơ tài liệu rồi viết phiếu đề xuất và đánh máy các quyết định phê chuẩn, tiếp theo là đề xuất lãnh đạo viện ký phê chuẩn. Tôi cho rằng nếu làm tuần tự từng việc như vậy thực sự là chưa khoa học, chưa thể đạt được chất lượng, hiệu quả, hiệu suất làm việc như  mong muốn.

Theo tôi, việc đầu tiên khi được giao nghiên cứu một hồ sơ đề nghị phê chuẩn là: Đánh máy các quyết định phê chuẩn, xem cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn gì, có bao nhiêu đối tượng thì đánh máy bấy nhiêu quyết định phê chuẩn đầy đủ luôn (chưa vội quan tâm xem có căn cứ phê chuẩn hay không có căn cứ phê chuẩn). Sau khi đánh máy xong thì mới thực hiện các thao tác nghiệp vụ tiếp theo như nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các quy định, hướng dẫn thấy có căn cứ hoặc không đủ căn cứ hoặc không có căn cứ thì viết phiếu đề xuất quan điểm xử lý, sau đó mới sao trích tài liệu, dự thảo Yêu cầu điều tra …

Thao tác “Đánh máy các quyết định phê chuẩn” được thực hiện đầu tiên sẽ giúp các bạn có những thuận lợi sau:

+Thứ nhất: Đánh máy xong các quyết định phê chuẩn sẽ giúp nắm được luôn có bao nhiêu “đối tượng chính” trong vụ án này, tên tuổi, địa chỉ cụ thể của từng đối tượng thậm chí là cả tiền án của đối tượng. Điều này sẽ giúp cho nghiên cứu hồ sơ nhanh hơn, viết phiếu đề xuất cũng nhanh hơn.

+ Thứ hai: Xét về mặt tâm lý, nếu thực hiện các thao tác khác trước như nghiên cứu, sao trích hồ sơ tài liệu thì đến khi thực hiện thao tác đánh máy sẽ trong tình trạng tâm lý bị căng thẳng, mỏi mệt. Điều này sẽ dẫn tới đánh máy chậm, dễ bị nhầm lẫn về tên tuổi địa chỉ hoặc mắc lỗi chính tả. Do đó nếu thực hiện thao tác đầu tiên là đánh máy các quyết định phê chuẩn thì sẽ thấy nhanh hơn và chính xác hơn và tâm lý sẽ thoải mái hơn.

+ Thứ ba: Tránh được một số sự cố như: Nghiên cứu, sao trích xong định đánh máy quyết định phê chuẩn thì mất điện, hoặc đã hết giờ làm việc người làm ở bộ phận liên quan đã về, hoặc trong một số trường hợp đặc biệt lãnh đạo đòi hòi cần ký phê chuẩn ngay để còn bận đi công tác ngoài trụ sở cơ quan…

Ở thao tác “Nghiên cứu hồ sơ” đòi hỏi phải đọc kỹ toàn bộ hồ sơ, lập bảng tổng hợp chứng cứ tùy theo từng loại tội danh cho phù hợp, tìm ra các điểm mấu chốt quan trọng của vụ án để đánh giá có tội hay không có tội, có đủ căn cứ để phê chuẩn hay không phê chuẩn hay phải bổ sung chứng cứ; cần thống kê xem có bao nhiêu biện pháp thu thập chứng cứ đã được thực hiện (khám nghiệm, lấy lời khai, khám xét, định giá, giám định…) để đánh giá xem cần yêu cầu áp dụng thêm biện pháp gì không, các biện pháp đã áp dụng có thiếu sót, vi phạm gì không…

Ở thao tác “Viết đề xuất”, nên viết đề xuất bằng cách soạn và lưu trên máy tính đề dùng cho các lần sau trong cùng vụ án đó. Nội dung viết đề xuất nên viết theo cách “quy nạp” không diễn giải lan man, dài dòng, tuy nhiên phải viết đủ ý, phản ánh chính xác nội dung sự việc, có thể viết theo kiểu thống kê, tổng hợp chứng cứ buộc tội, gỡ tội…Quan điểm đề xuất phải rõ ràng, không nên đề xuất quan điểm chung chung.

2- Kỹ năng thứ hai: Chỉ dùng cho một số trường hợp đặc biệt:

Kỹ năng này giúp giải thoát thế bí về mặt thời gian trong các trường hợp đặc biệt như gần hết giờ chiều lãnh đạo mới giao hồ sơ đề nghị phê chuẩn, trong khi đó hôm sau là ngày nghỉ, hoặc cơ quan điều tra đề nghị xét phê chuẩn nhanh để có thời gian đưa bị can bị nghiện ma túy xuống trại tạm giam vì họ không muốn để qua đêm bị can đó ở nhà tạm giữ…Vậy thì câu hỏi đặt ra là phải làm như thế nào để đạt được yêu cầu của công việc, phục vụ công tác điều tra ? Trong những trường hợp như vậy thì nên thực hiện việc đầu tiên vẫn là đánh máy các quyết định phê chuẩn, sau đó thì tập trung nghiên cứu nhanh xem có căn cứ phê chuẩn hay không, nếu có căn cứ thì viết phiếu đề xuất và trình lãnh đạo ký duyệt luôn. Còn các thao tác nghiệp vụ khác như trích hồ sơ, phô tô tài liệu, đề ra yêu cầu điều tra… thì để sau vì thời hạn trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra khá dài trong khi đó chỉ cần có quyết định phê chuẩn sớm trước.

Ngoài ra, để nghiên cứu hồ sơ đề nghị phê chuẩn được nhanh hơn còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như trình độ, năng lực, kinh nghiệm, khả năng nghiên cứu, nắm bắt và áp dụng văn bản pháp luật của tùy từng cán bộ, Kiểm sát viên. Chúng tôi hy vọng, những kỹ năng hay các “mẹo” nhỏ trên có thể giúp ích cho các đồng nghiệp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đặng Bá Hưng-Viện KSND huyện Sơn Động

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,423,532
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.131.13.24

    Thư viện ảnh