Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra nhiều tội phạm “Cướp tài sản” từ việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để “đòi nợ”… Đây là loại tội phạm mà hầu hết các bị cáo đều không hiểu biết pháp luật, đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Sau khi bị truy tố, xét xử về tội “Cướp tài sản” các bị cáo đều kêu oan vì cho rằng người bị hại vay tiền hoặc mượn tài sản của họ rồi cố ý không trả nên việc họ trực tiếp hoặc thuê “xã hội đen” dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để lấy lại tài sản của mình là không phạm tội.
Dưới đây là ví dụ qua một vụ án cụ thể:
Nguyễn Thị A và Lê Đức T quen biết nhau từ trước. Ngày 3/9/2014, T mượn A một chiếc điện thoại di động (Iphone) để gọi điện cho bạn nhưng sau đó đem đi cầm đồ để lấy tiền. A đã nhiều lần tìm T để đòi lại điện thoại nhưng không gặp nên đã đăng ảnh của T lên facebook nhờ bạn bè tìm giúp.
Buổi chiều ngày 06/7/2014, A nhận được tin T đang ở quán Internet tại Hà Nội. A đã nhờ bạn là Đào Văn K (đang ở Hà Nội) giữ T lại đợi A đến. Sau đó, A rủ Nguyễn Văn Th và Lưu Văn L đi ra Hà Nội gặp T. Khi đến nơi, A cùng K, Th, L dùng dây thừng trói T lại sau đó thuê taxi đưa T về nhà A ở Bắc Giang. Tại đây, A, L, K và Th đã dùng chân tay đấm đá T và sử dụng con dao phớ đe dọa chặt tay T rồi yêu cầu T viết giấy vay tiền. Do sợ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe nên T đã viết giấy vay của A 15.000.000 đồng và buộc T phải điện thoại cho mẹ là bà Chu Thị H cầm 3.000.000 đồng đến đưa cho A. Sau khi nhận được số tiền này, A và đồng bọn cho T về sau đó T đã làm đơn trình báo.
Về trách nhiệm dân sự:Nguyễn Thị A đã trả lại số tiền 3.000.000 đồng cho người bị hại và người bị hại không yêu cầu bồi thường thêm về dân sự.
Tòa án nhân dân huyện G đã áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20, Điều 53, Điều 33 BLHS xử phạt: Nguyễn Thị A, Nguyễn Văn Th, Lưu Văn L, Đào Văn K tổng cộng 15 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”. Trong đó, Nguyễn Thị A bị xử phạt 05 năm tù.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Nguyễn Thị A kháng cáo kêu oan vì cho rằng cấp sơ thẩm xử lý bị cáo theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS là không đúng, mục đích của bị cáo là đòi lại điện thoại do T mượn của bị cáo. Bị cáo còn cho rằng việc bị cáo có hành vi cầm dao và nói sẽ chặt tay T chỉ là dọa, không có ý định chặt tay T thật nên không phạm tội.
Tuy nhiên sau khi tranh luận với Kiểm sát viên,bị cáo A đã nhận tội và có lời xin lỗi người bị hại.
Căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả từ hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị A 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”.
Đây là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người nói chung và đối với bị cáo nói riêng. Bởi lẽ trong vụ án này, người bị hại là người có lỗi trước, nếu bị cáo chọn cho mình cách đòi lại tài sản theo đúng quy định của pháp luật thì tội phạm sẽ không xảy ra. Từ hành vi nóng nảy, không hiểu biết pháp luật của bị cáo dẫn đến việc bị cáo đang từ là người bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lại trở thành người phạm tội trong vụ án “Cướp tài sản”.
Thông qua vụ án này, tôi thấy ngoài trách nhiệm của các cơ quan pháp luật nói chung, rất cần các tổ chức như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… cùng tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân, tránh để xảy ra hành vi phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật như đã nêu trên.
Dương Thị Hồng Tiến