.

Chủ nhật, 19/05/2024 -14:02 PM

Một số kỹ năng của cán bộ Kiểm sát trong công tác tiếp công dân

 | 

Thông thường, nhiệm vụ tiếp công dân của các cán bộ thường trực (bộ phận khiếu tố) là xác định tính hợp lệ của đơn khiếu nại, tố cáo và thông báo cho đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân trong trường hợp cần thiết. Song thực tế cho thấy rằng không đơn giản chỉ có vậy, công tác tiếp công dân của Viện kiểm sát luôn gắn liền với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo- là hai yếu tố có tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Cho nên đòi hỏi cán bộ tiếp công dân phải có trình độ nghiệp vụ thì việc tiếp công dân của bộ phận khiếu tố mới góp phần tích cực vào việc giải quyết khiếu nại tố cáo đúng quy định của pháp luật.

Để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, theo tôi, cán bộ kiểm sát cần phải có một số kỹ năng sau:

- Kỹ năng ứng xử khi tiếp công dân: Tiếp công dân là việc đối thoại trực tiếp giữa cán bộ đại diện cơ quan nhà nước với công dân. Kỹ năng ứng xử khi tiếp công dân nếu thật sự đạt được những chuẩn mực nhất định thì sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần hạn chế được tình trạng khiếu kiện kéo dài vì đáp ứng được nguyện vọng của công dân khi tìm đến cơ quan tư pháp để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình. Trong tâm lý của công dân khi đến Viện kiểm sát khiếu kiện, đa số có tâm lý bị dồn nén sự bất bình với người tiến hành tố tụng trước đó. Mặc dù trong thực tế, họ không hoàn toàn bị oan, sai mà do trong một số vụ, việc, công dân không được đối thoại bình đẳng với cán bộ thực thi pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc dẫn tới nghi ngờ kết quả giải quyết. Do vậy, họ có ấn tượng không tốt, luôn cho rằng việc giải quyết thiếu khách quan và trái pháp luật nên làm đơn khiếu nại. Chính vì vậy, việc tiếp công dân của Viện kiểm sát có thể coi là hoạt động giao tiếp đặc biệt, vì cán bộ tiếp công dân thường xuyên phải giao tiếp, tiếp nhận những phản ứng trái chiều tiêu cực trong việc thi hành công vụ. Bởi vậy khi tiếp công dân, tùy từng trường hợp cụ thể, cán bộ tiếp dân cần có thái độ hỏi đáp linh động, không áp dụng cứng nhắc, thậm chí trong nhiều trường hợp còn phải thể hiện tư cách đại diện cơ quan nhà nước tỏ thái độ, lời nói chia sẻ, động viên an ủi công dân khiếu nại, tố cáo trước những mất mát, tổn hại của họ. Ngược lại, đối với những trường hợp công dân khiếu kiện đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật nhưng do họ không hiểu, cố chấp nên tiếp tục khiếu kiện yêu cầu xem xét lại, có dấu hiệu lạm dụng khiếu nại, tố cáo của công dân thì cán bộ tiếp dân cần có thái độ dứt khoát, thẳng thắn giải thích cho công dân biết những quy định của pháp luật. Tùy từng trường hợp có thể báo cáo với các cấp, cơ quan hữu quan phối hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế cứng rắn.

- Hiểu biết toàn diện và vận dụng đúng pháp luật khi tiếp công dân: Đây là yếu tố quan trọng nhất yêu cầu cán bộ kiểm sát phải có khi tiếp công dân. Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao; các phương tiện truyền thông cập nhật chính sách pháp luật công khai, thuận tiện cho việc tìm hiểu pháp luật với bất cứ ai khi phải tham gia quan hệ pháp luật. Bên cạnh đó công dân thường tìm đến sự tư vấn của luật sư nên sự hiểu biết pháp luật của người khiếu kiện không còn hạn chế như những năm trước đây. Do vậy, cán bộ tiếp công dân ngoài yêu cầu phải có kiến thức pháp luật trong mọi lĩnh vực còn phải luôn cập nhật thông tin, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới để tinh thông nghiệp vụ, vận dụng pháp luật một cách chính xác mới tránh lúng túng trong quá trình tiếp công dân. Ngoài ra, việc tiếp công dân của Viện kiểm sát gắn liền với hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền; tuy nhiên, công dân đến khiếu nại, tố cáo với nội dung đa dạng gồm cả thuộc thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Những trường hợp không thuộc thẩm quyền thì phải sử dụng kiến thức về các lĩnh vực khác để giải thích, hướng dẫn người khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết; nếu không xử lý tốt những trường hợp này thì không chỉ gây phiền hà cho công dân vì phải đi đến nơi không đúng thẩm quyền mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ tiếp công dân nói riêng, cũng như của ngành kiểm sát nói chung.

- Kỹ năng nắm bắt tâm lý người khiếu nại, tố cáo: Việc được tìm hiểu chính sách pháp luật một cách thuận lợi như hiện nay có nhiều mặt tích cực đến đời sống xã hội; nhưng đối với người khiếu kiện khi đọc được một điều luật đã cóp sẵn ý thức bảo thủ về quyền lợi của mình, nên nhiều trường hợp hiểu sai để biện hộ và tận dụng cơ hội để phản ứng quyết liệt đối với cán bộ nếu cần thiết. Do vậy, cần thiết phải nắm bắt tâm lý người khiếu kiện để vận dụng phương pháp tiếp công dân sao cho hiệu quả. Muốn vậy, ngoài kỹ năng giao tiếp, kiến thức pháp luật thì cán bộ tiếp công dân cần nắm bắt về tâm lý con người để khi tiếp xúc với công dân có thái độ cực đoan thì có khả năng định hướng được những vấn đề gì cần đưa ra đối thoại thẳng thắn, những vấn đề gì cần tinh tế đi sâu vào tâm lý người khiếu kiện, không đẩy họ vào tâm lý bị kích động, dồn nén cảm xúc.

Để làm tốt công tác tiếp công dân là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cán bộ làm công tác tiếp dân phải có nhiều kỹ năng như: kỹ năng ứng xử, hiểu biết toàn diện về pháp luật, kỹ năng nắm bắt tâm lý của người khiếu nại tố cáo. Trong năm công tác 2016, Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên xác định cần tiếp tục đổi mới công tác tiếp công dân của đơn vị để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.

Đặng Đức Hùng - Viện KSND huyện Việt Yên 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,933,157
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.8.216

    Thư viện ảnh