.

Chủ nhật, 19/05/2024 -11:09 AM

Giải quyết các vụ việc tranh chấp mồ, mả như thế nào cho đúng?

 | 

Bộ luật dân sự (Điều 629) quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Bộ luật hình sự (Điều 246) quy định tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tuy nhiên, thực tế việc giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến mồ mả và việc xác định ai là chủ thể của tội phạm này thì còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Theo từ điển Tiếng việt, “mồ mả” được hiểu là nơi an táng (chôn cất) người đã chết. Việc tổ chức an táng đối với người đã chết được thực hiện theo phong tục, tập quán của địa phương; nơi an táng được quy hoạch thành khu vực riêng, khuyến khích thực hiện hình thức hỏa táng... Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ trong gia đình, dòng họ, các hàng thừa kế... ai có quyền quản lý, tu tạo, sửa chữa mồ mả của người đã chết, vấn đề này chủ yếu đang được điều chỉnh bởi các phong tục, tập quán, quy tắc đạo đức, quy ước của dòng họ… Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi giải quyết, dưới đây tác giả xin nêu một ví dụ cụ thể để trao đổi cùng các đồng nghiệp và bạn đọc.

Cụ Dương Văn Nhỏ và cụ Nguyễn Thị Thỉnh ở xã X, huyện L là vợ chồng và sinh được một người con là Dương Xuân Đào. Ông Đào kết hôn với bà Nguyễn Thị Cúc và sinh được một người con là Dương Văn Vuông. Năm 1947 ông Đào nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó hy sinh và được Nhà nước công nhận là Liệt sỹ. Ông Vuông kết hôn với bà Hoàng Thị Dung và sinh được 3 người con là Dương Thị Kim Oanh; Dương Mai Hương và Dương Ánh Sáng. Năm 2001, cụ Nguyễn Thị Thỉnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Năm 2006, ông Dương Văn Vuông chết. Sau khi bà Cúc và ông Vuông chết, bà Dung là người thờ cúng và hưởng các chế độ thờ cúng liệt sỹ.

Theo ông Dương Văn Thanh trình bày, bố ông là ông Dương Văn Viên được ông Dương Xuân Đào và bà Nguyễn Thị Cúc nhận làm con nuôi từ nhỏ. Sau đó ông Viên kết hôn với bà giáp Thị Thuần và sinh được 5 người con, trong đó có ông Dương Văn Thanh. Ngày 04/9/2014, ông Dương Văn Viên có đơn gửi đến Uỷ ban nhân dân xã X, huyện L về việc đề nghị được xây dựng, tu tạo phần mộ bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thỉnh và mộ cụ Dương Văn Nhỏ ở khu Cầu Kha, xã X. Sau khi nhận đơn của ông Viên, Uỷ ban nhân dân xã X đề nghị ông Viên tổ chức họp với gia đình bà Hoàng Thị Dung để thống nhất việc xây dựng, tu tạo mộ. Ngày 28/10/2014, ông Viên tổ chức họp gia đình và có mời bà Dung về họp để thống nhất việc nâng cấp, tu tạo mộ cụ Thỉnh và mộ cụ Nhỏ. Tuy nhiên bà Dung không đến họp, còn lại những người có mặt tại cuộc họp đều nhất trí việc xây dựng, tu tạo mộ.

Sáng ngày 03/12/2014, gia đình ông Viên cùng con cháu tiến hành khởi công xây dựng mộ cụ Thỉnh và mộ cụ Nhỏ. Thấy gia đình ông Viên tự ý xây dựng mộ của gia đình mình, cùng ngày bà Dung gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã X đề nghị xem xét giải quyết. Sau khi nhận được đơn của bà Dung, Tổ công tác của Uỷ ban nhân dân xã X đã lập biên bản yêu cầu gia đình ông Viên tạm dừng việc xây dựng mộ, nhưng ông Viên không đồng ý ký vào biên bản.

Khoảng 8 giờ ngày 04/12/2014, khi gia đình ông Viên đang tiếp tục xây dựng mộ thì bà Dung cùng hai con gái là Dương Thị Kim Oanh và Dương Mai Hương đến yêu cầu gia đình ông Viên dừng việc xây mộ lại, đồng thời bà Dung cùng hai con gái nhặt gạch để xây mộ vứt ra ruộng (gần khu mộ), bà Dung dùng tay cậy 03 viên gạch chỉ đã xây ở mộ cụ Thỉnh vứt ra ruộng. Sau đó Uỷ ban nhân dân xã X đã mời ông Viên và bà Dung về trụ sở Uỷ ban xã để làm việc. Tại buổi làm việc, các bên thống nhất tạm dừng việc xây mộ và để gia đình bà Dung xây phần còn lại của mộ cụ Nhỏ và mộ cụ Thỉnh. Khoảng gần một tháng sau, không thấy gia đình bà Dung tiến hành xây mộ nên gia đình ông Viên tiếp tục xây và hoàn thiện mộ cụ Nhỏ và mộ cụ Thỉnh. Khoảng 13 giờ ngày 25/12/2014, bà Dung cùng hai con gái là Oanh và Hương đến khu mộ thì thấy gia đình ông Viên đang hoàn thiện mộ cụ Nhỏ và mộ cụ Thỉnh. Bà Dung cậy và đập vỡ 03 viên gạch ốp ở cạnh bên trái mộ cụ Thỉnh, chị Oanh và chị Hương nhặt gạch xây và gạch ốp còn lại ở khu mộ vứt ra ngoài ruộng. Ngoài ra, bà Dung còn đập vỡ một số viên gạch ốp là vật liệu dùng để xây mộ. Cùng ngày, ông Viên, bà Dung đều gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã X đề nghị giải quyết vụ việc nêu trên. Ngày 26/12/2014, Uỷ ban nhân dân xã X mời ông Viên và bà Dung đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã làm việc và yêu cầu gia đình ông Viên và gia đình bà Dung tạm dừng việc xây dựng mộ cụ Nhỏ và mộ cụ Thỉnh, chờ đến khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng. Sau đó giữa gia đình ông Viên và gia đình bà Dung không thống nhất được việc xây mộ nên ông Dương Văn Thanh và bà Dung có đơn tố cáo nhau có hành vi xâm phạm mồ mả. Sau khi nhận được đơn, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện L đã tiến hành xác minh nội dung đơn tố cáo theo đúng quy định của pháp luật và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hướng dẫn các đương sự khởi kiện tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo thẩm quyền.

Từ nội dung vụ việc như trên, tác giả xin có một số vấn đề cần trao đổi, cụ thể là:

- Thứ nhất, việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện L ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc gia đình ông Viên tự ý tu tạo mộ khi chưa được sự đồng ý của gia đình bà Dung có là vi phạm hay không, bởi lẽ bà Dung hiện đang là người thờ cúng cụ Nhỏ, cụ Thỉnh.

- Thứ hai, vụ việc trên có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không, trong khi Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành không quy định tranh chấp mồ mả thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ các thành viên trong gia đình ai có quyền quản lý, tu tạo đối với mồ, mả.

- Thứ ba, trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì  UBND xã có thẩm quyền giải quyết vụ việc này hay không và giải quyết như thế nào để đảm bảo có tình, có lý?

Từ vụ việc nêu trên, thiết nghĩ việc quản lý, tu tạo, thờ cúng mồ, mả là vấn đề tâm linh, tín ngưỡng của những người còn sống đối với người đã chết nên cũng cần có sự điều chỉnh bằng pháp luật, để có cơ sở để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống thực tiễn./.

Hoàng Văn Đĩnh - Viện KSND huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,932,752
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.189.186.214

    Thư viện ảnh