ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -13:36 PM

Một số kinh nghiệm trong công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự của Viện KSND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

 | 

Kháng nghị phúc thẩm án dân sự là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân để kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm giải quyết án dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cùng cấp và cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.

Trong năm 2015, Viện KSND huyện Việt Yên đã ban hành 03 quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với 03 bản án dân sự của TAND huyện Việt Yên; TAND tỉnh Bắc Giang đã xét xử phúc thẩm, chấp nhận 02 quyết định kháng nghị (còn 01 vụ chưa xét xử phúc thẩm). Sau đây, Viện KSND huyện Việt Yên trao đổi một số kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm đối với các vụ án dân sự.

- Lãnh đạo đơn vị cần quan tâm, chỉ đạo sâu sát;  bố trí cán bộ, Kiểm sát viên phù hợp với yêu cầu của công tác kiểm sát giải quyết án dân sự.

- Phải nhận thức đúng và đầy đủ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kháng nghị phúc thẩm. Mặt khác, cần phải nắm vững thẩm quyền, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát.

 - Phải thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Toà án trên cơ sở nắm chắc pháp luật về tố tụng và nội dung; các dạng vi phạm làm căn cứ kháng nghị theo thẩm quyền. Việc phát hiện các vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm phải chính xác, kịp thời. Phải coi công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự là tiêu chí hàng đầu để đánh giá kết quả hoạt động của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Toà án.

 - Viện kiểm sát cần phải xây dựng được mối quan hệ phối hợp với Toà án để thực hiện tốt việc chuyển bản án, quyết định, hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đúng thời hạn theo quy định, bảo đảm cho mọi vi phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời.

 - Quyết định kháng nghị cần phải cô đọng, đầy đủ, súc tích, thực hiện theo đúng mẫu quy định. Lập luận phải vững chắc và việc viện dẫn căn cứ pháp luật phải chính xác, tránh tình trạng viện dẫn các căn cứ pháp luật không chính xác hoặc đã hết hiệu lực pháp luật. Nội dung kháng nghị phải phản ánh được nội dung vụ án, phân tích, làm rõ căn cứ kháng nghị đối với các bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; quyết định của bản án hoặc quyết định sơ thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Phải phân tích làm rõ vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm, đối chiếu với các quy định cụ thể của điều luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thực hiện. 

 - Phải mở sổ theo dõi phát hiện vi phạm và lập phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm. Phiếu kiểm sát nêu rõ ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên; ý kiến của lãnh đạo đơn vị. Trường hợp VKS cấp huyện phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị của cấp mình thì chuyển ngay hồ sơ kiểm sát cùng phiếu kiểm sát đã ghi nội dung vi phạm lên VKS cấp tỉnh để nghiên cứu và thực hiện kháng nghị theo thẩm quyền.

Đối với sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết nội dung tranh chấp, Viện kiểm sát cần thận trọng khi thực hiện thẩm quyền kháng nghị, vì ngoài yêu cầu đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật, Viện kiểm sát cần chú ý nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong pháp luật TTDS.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự của Viện KSND huyện Việt Yên, rất mong nhận được sự tham gia ý kiến của các đồng chí đồng nghiệp.

Đặng Đức Hùng - VKSND huyện Việt Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,813,439
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.30.153

    Thư viện ảnh