.

Thứ tư, 24/07/2024 -04:26 AM

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang: Nâng cao chất lượng THQCT, KSĐT, KSXXST các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên

 | 

Bắc Giang là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội. Đây là địa điểm được các đối tượng sử dụng để trung chuyển trái phép chất ma túy (chủ yếu là Heroin) từ các tỉnh Tây Bắc sang Trung Quốc và chuyển ngược lại các loại ma túy tổng hợp. Tại Bắc Giang có một số tụ điểm mua bán trái phép chất ma túy lớn như xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, xã Hoàng Lương, Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa.

Xuất phát từ những đặc điểm về lịch sử và địa lý như vậy, trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy đã diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, táo bạo, trong đó có nhiều vụ án có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên. Trong 3 năm (từ năm 2012 đến năm 2014), Cơ quan điều tra hai cấp (tỉnh và huyện) đã khởi tố 942 vụ/1265 bị can, tăng 218 vụ/ 414 bị can so với 04 năm trước đó (từ năm 2008 đến năm 2011 khởi tố 724 vụ/ 851 bị can).

Cơ quan điều tra đã thu giữ trên 151.412 gam Heroin; 353 gam nhựa và sái thuốc phiện; 169 gam cần sa; 13.182 gam ma túy tổng hợp.Ngoài ra còn thu giữ nhiều tài sản, vũ khí: 12 xe ô tô, 142 xe mô tô, 348 điện thoại di động, 06 khẩu súng, 95 viên đạn và nhiều tài sản khác.

Cùng với sự gia tăng của tội phạm ma túy nói chung trong thời gian qua, tội phạm ma túy do các đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên cũng gia tăng với tổng số: 152 vụ/ 195 bị can, trong đó: 51 vụ/ 65 bị can là người dân tộc, 92 vụ/ 119 bị can là phụ nữ, 09 vụ/ 11 bị can là người chưa thành niên; tăng 85 vụ/ 111 bị can so với giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, cụ thể: đối tượng phạm tội là: người dân tộc tăng 36 vụ/ 45 bị can; phụ nữ tăng 41 vụ/ 56 bị can; người chưa thành niên tăng 08 vụ/ 10 bị can.

Về nguyên nhân tình hình tội phạm ma túy

- Nguyên nhân khách quan:

Do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trong đó có một số chính sách đối với đối tượng là phụ nữ, với người dân tộc thiểu số...còn chưa đáp ứng được với yêu cầu trong thực tế.

Hiện nay có nhiều người có lối sống thực dụng, bất chấp pháp luật để phạm tội...do lợi nhuận từ việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy rất cao, có thể nói là “siêu lợi nhuận” đã tác động vào lòng tham, khát vọng làm giàu, “đổi đời” của một bộ phận người dân, trong đó có đối tượng là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên.

Người phạm tội có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm, không có thu nhập để nuôi sống bản thân, vợ (chồng), con; hoặc do cha mẹ, vợ chồng ly hôn, gia đình ly tán, con cái không có người nuôi dưỡng, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình và nhà trường...

Công tác vận động, tuyên truyền pháp luật về ma túy của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, của cả xã hội còn chưa thực sự hiệu quả, sâu rộng đến với mọi người dân. Việc quản lý, giáo dục trong các trung tâm giáo dưỡng, cai nghiện chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, công tác quản lý sau cai nghiện, tạo điều kiện cho các đối tượng cai nghiện sau cai nghiện trở về tái hóa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho họ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, tính chất nguy hiểm cho xã hội ngày càng lớn, nhiều đối tượng phạm tội lợi dụng vào sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật của các đối tượng là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên để dẫn dắt, lôi kéo họ vào con đường phạm tội. Có những băng, nhóm tội phạm ma túy lợi dụng những đối tượng này để che mắt các cơ quan chức năng. 

Một số đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý tội phạm là phụ ngữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người dân tộc, người chưa thành niên...để phạm tội.

Do chính sách hình sự của Nhà nước thay đổi theo hướng không xử lý hình sự đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nên số người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng nên các hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy vẫn xảy ra nhiều theo quy luật cung- cầu.

Công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm ma túy còn có những hạn chế nhất định về kinh phí, phương tiện, máy móc kỹ thuật...

- Nguyên nhân chủ quan:

Do lười lao động, thích hưởng thụ nên có đối tượng mặc dù biết rõ pháp luật xử lý rất nặng về tội phạm liên quan đến ma túy, thậm chí có thể bị áp dụng hình phạt tử hình, bị tước đoạt quyền sống- quyền cao nhất của con người, nhưng các đối tượng vẫn lao vào con đường phạm tội hoặc chính bản thân đối tượng là con nghiện, mặc dù biết rõ tác hại của ma túy đối với cơ thể con người nhưng để có tiền sử dụng ma túy, những người này bất chấp pháp luật mà phạm tội về ma túy để có tiền mua ma túy sử dụng, lấy ma túy “nuôi” ma túy.

Nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là đối với người dân tộc thiểu số sinh sống tại những địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn giáp biên giới, những người phụ nữ...họ ít tiếp xúc với thông tin, truyền thông nên chưa nhận thức một cách đầy đủ về tác hại của ma túy và chính sách pháp luật của Nhà nước ta trong việc xử lý loại tội phạm này; những đối tượng là phụ nữ, nhất là với những người là người dân tộc thiểu số dễ nhẹ dạ cả tin, nghe bạn bè, người thân rủ rê, lôi kéo, hoặc với những đối tượng là người chưa thành niên không được học hết chương trình phổ thông, là đối tượng trẻ mồ côi, lang thang, sống nay đây mai đó...họ chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, nhận thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị tác động, lôi kéo vào con đường phạm tội...

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy còn chưa được đầu tư thỏa đáng: lực lượng còn mỏng, trình độ, năng lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy nói chung và tội phạm về ma túy mà người phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên...còn có những hạn chế nhất định.

Trong thời gian qua, các đơn vị trong ngành đã kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, quản lý và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm một cách chặt chẽ, đảm bảo việc phân loại, xử lý chính xác, kịp thời.Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố và phê chuẩn khởi tố bị can của Cơ quan điều tra đảm bảo đúng người, đúng tội, không oan, không bỏ lọt tội phạm. Chủ động đề ra yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ để mở rộng vụ án đối với các đối tượng mua bán trái phép chất ma tuý; không có vụ án nào phạm tội về ma tuý phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội, không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.Việc xử lý của Viện kiểm sátđảm bảo có căn cứ pháp luật, không có trường hợp nào truy tố oan sai, hoặc bỏ lọt người phạm tội.Công tác THQCT, KSXXST được thực hiện tốt, đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Quy chế kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự; công tác kiểm sát các hoạt động của Toà án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử được chú trọng. Trong quá trình THQCT, KSXXST, Kiểm sát viên đã từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm theo quy định của pháp luật, chủ động tham gia tranh luận tại phiên toà đảm bảo dân chủ theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Không có bị cáo nào bị Toà án tuyên không phạm tội, không có vụ án nào bị cấp phúc thẩm huỷ án. Trong công tác phối hợp liên ngành: Chủ động tổ chức các cuộc họp liên ngành để xác định án trọng điểm về ma tuý, phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên toà lưu động đảm bảo yêu cầu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

* Để nâng cao chất lượng THQCT, KSĐT, KSXXST các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 95/KL-TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Luật phòng, chống ma túy; Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011, Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy; các Chương trình, Kế hoạch về phòng, chống ma túy của UBND tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch phòng chống ma tuý của Viện kiểm sát tối cao và của Ban chỉ đạo phòng chống ma tuý tỉnh Bắc Giang.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát viết bài, đưa tin về các vụ phạm tội về ma tuý trên báo địa phương. Phối hợp với các cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật trong công tác phòng chống ma tuý.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án ma tuý ở cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, xác định các vụ án trọng điểm để phối hợp với Toà án cùng cấp đưa đi xét xử lưu động ở một số xã, phường trên địa bàn, đặc biệt là những xã có điểm nóng về ma tuý.

Phối hợp với các ngành liên quan hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy, tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp bắt giữ, xử lý các đường dây ổ nhóm buôn bán ma tuý, kết hợp đồng bộ các biện pháp giải quyết các tụ điểm phức tạp về ma tuý. Tiếp tục tuyên truyền tới đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó có các đối tượng là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên về Luật phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy đối với cuộc sống; phối hợp với Tòa án đưa các vụ án điểm, các vụ án có các đối tượng này phạm tội đi xét xử lưu động, tập trung ở các địa bàn phức tạp, có nhiều tụ điểm ma túy...Phối hợp với các đơn vị cơ sở như: tổ dân phố, thôn, bản ở các địa phương, trường học trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ma túy.

Các cơ quan chức năng cần làm tốt chức năng quản lý, giáo dục những người phạm tội về ma túy là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên; quản lý tốt đối tượng nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện và sau cai nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; cộng đồng cần tránh có thái độ kì thị, xúc phạm những người này hoặc sau khi cai nghiện hoặc cải tạo về địa phương, cần tạo điều kiện cho những người này có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

  Phan Thị Diễm Hạnh 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,534,545
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.35.25

    Thư viện ảnh