ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -21:57 PM

Trao đổi trong việc giải quyết vụ án dân sự tranh chấp lối đi

 | 

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp lối đi” giữa nguyên đơn ông Phạm Tiến H đối với bị đơn anh Phạm Tiến L, chúng tôi nhận thấy phát sinh nhiều ý kiến tranh luận, xin đưa ra để các đồng nghiệp cùng trao đổi. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khi ông Phạm Tiến K (bố anh L) và ông H (ông K và ông H là hai anh em ruột) xây dựng gia đình thì được bố mẹ cho ra ở giêng trên cùng một thửa đất. Gia đình ông K ở phía ngoài, gia đình ông H ở phía trong thửa đất. Hai gia đình sử dụng chung cổng ra đường công cộng. Năm 1998, cả hai hộ gia đình ông K và ông H đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2005 vợ chồng ông K mất, nhà và đất được giao lại cho vợ chồng anh L. Năm 2012 giữa anh L và ông H nảy sinh mâu thuẫn, anh L đã bịt lối đi ra ngoài của gia đình ông H, không cho gia đình ông H đi trên lối đi cũ. Ông H có đơn khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu anh L phải để lối đi cho gia đình ông, ông H không đồng ý đền bù cho gia đình anh L.

Anh L cho rằng, diện tích lối đi là của gia đình anh, anh chỉ cho gia đình ông H đi nhờ.

UBND huyện xác nhận, theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2010 đã được phê duyệt thể hiện có đường đi giáp với hai thửa đất nói trên; nhưng kiểm tra hiện trạng hai thửa đất của gia đình ông H và anh L không có đường đi; từ trước đến nay gia đình ông H vẫn đi qua thửa đất (qua sân) của gia đình anh L vào thửa đất của gia đình mình; việc ông H yêu cầu anh L phải để lối đi là chính đáng. UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã VH lập hồ sơ và chỉnh lý theo quy định.

Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, năm 1998 khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hai hộ không để đường đi chung mà thống nhất gia đình ông H đi qua sân nhà ông K; ngoài lối đi qua sân nhà anh L thì gia đình ông H không còn đường đi nào khác để đi ra đường công cộng; nên Tòa án đã áp dụng khoản 1 Điều 275 Bộ luật dân sự xử buộc anh L phải để lối đi cho gia đình ông H và buộc ông H phải đền bù cho anh L giá trị quyền sử dụng diện tích đất được sủ dụng làm lối đi theo giá thị trường.

Trong vụ án trên, phát sinh ba quan điểm giải quyết như sau:

- Quan điểm thứ nhất: Đồng ý với quan điểm giải quyết vụ án của Tòa án.        

- Quan điểm thứ hai: Xác định lối đi là lối đi chung giữa gia đình ông H và anh L. Áp dụng Điều 106 Luật đất đai năm 2013; Điều 275 Bộ luật dân sự. Buộc ông H phải bồi thường cho gia đình anh L 1/2 giá trị quyền sử dụng diện tích lối đi.

- Quan điểm thứ ba: Áp dụng khoản 3 điều 275 Bộ luật dân sự, buộc gia đình anh L phải để lối đi cho gia đình ông H; gia đình ông H không phải đền bù cho anh L.

Theo quan điểm của cá nhân, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba, bởi lẽ: Diện tích đất của gia đình ông K và gia đình ông H trước đây thuộc cùng một thửa đất do bố mẹ chia cho; cùng sử dụng chung cổng; nhưng khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ gia đình ông K và ông H không phân định rõ ràng diện tích đất làm lối đi cần thiết cho gia đình ông H (người phía trong) nên UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ô K mà không để diện tích đất làm lối đi cho gia đình ông H; là không đảm bảo quyền lợi cho gia đình ông H; việc ông H khởi kiện là có căn cứ; đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ luật dân sự.

 Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.     

Nguyễn Thế Lượng - Viện KSND huyện Việt Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,423,199
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.14.245

    Thư viện ảnh