ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -22:28 PM

Về sự tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm trong Dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự và Dự thảo Luật Tố tụng hành chính

 | 

Dự thảo Bộ Tố tụng Dân sự (sửa đổi) và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến của các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Đây cơ sở để Quốc hội nghiên cứu và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới, cũng là dịp để sửa đổi bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc còn những bất cập…

Các đại biểu thảo luận về Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát 2014 đã quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân. Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đều quy định: Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và Pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Khoản 4 Điều 27 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là: “Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần”. Với quy định như vậy là chưa cụ thể hóa hết nội dung của Hiến pháp và chưa phù hợp với Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Bởi vì, khoản 2 Điều 21 BLTTDS quy định Viện kiểm sát nhân dân chỉ tham gia phiên họp, phiên tòa sơ thẩm đối với một số vụ, việc dân sự; điều này sẽ dẫn đến Viện kiểm sát không thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, công dân” theo quy định tại Điều 107 Hiến pháp và Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được.

Về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Điều 234 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”. Điều 160 Luật tố tụng hành chính cũng quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”.

Quy định như vậy,  Kiểm sát viên chỉ có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng, còn phần quan điểm giải quyết vụ án  Viện kiểm sát chỉ nghe, hỏi chứ không được phát biểu tính có căn cứ của tranh chấp, yêu cầu giải quyết của đương sự tại phiên tòa và quan điểm giải quyết vụ án, không thể hiện hết được vai trò của Viện kiểm sát .

Như vậy, rõ ràng giữa Bộ Luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính hiện hành còn có những quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi tham gia phiên tòa sơ thẩm và việc phát biểu tại phiên tòa sơ thẩm còn chưa phù hợp và thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nhưng Dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự và Dự thảo Luật tố tụng hành chính lần này chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước đề nghị sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính theo hướng: Viện kiểm sát nhân dân phải tham gia tất cả các phiên tòa dân sự, hành chính sơ thẩm, phải được phát biểu việc tuân theo pháp luật và quan điểm giải quyết vụ án../

Lưu Thị Lệ Phương

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,423,547
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.89.42

    Thư viện ảnh