Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự hai cấp (tỉnh và huyện) chúng tôi thấy có số một số khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng các quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Luật thi hành án dân sự năm năm 2008 sửa sửa đổi, bổ sung năm 20014, cụ thể như sau:
1. Quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa đầy đủ để giải quyết các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thi hành án dân sự
1.1. Vướng mắc trong việc ra quyết định về các khoản thi hành án chủ động
Tại khoản 1 Điều 36 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“1....
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;”
Trong thực tế, cơ quan thi hành án dân sự vẫn phải ra quyết định thi hành khoản lệ phí mà Tòa án tuyên nhưng Luật thi hành án dân sự không quy định đối với khoản “lệ phí” nên căn cứ để ra quyết định thì chưa có. Cần phải bổ sung việc ra quyết định thi hành khoản lệ phí để có căn cứ thi hành (Đã được khắc phục theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014).
1.2. Vướng mắc trong việc quy định điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Tại khoản 2 Điều 61 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau đây:
a) 5 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng;
b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng”
Khoản 1 Điều 26 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định:
"Người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân nhân sách Nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí có giá ngạch thì được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật thi hành án dân sự”.
Trong thực tế án tồn đọng hiện nay phần lớn là những hồ sơ thi hành án phải thi hành các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung công quỹ Nhà nước; người phải thi hành án ở những hồ sơ này thường là các đối tượng nghiện, sống lang thang, không có công ăn việc làm, không có thu nhập ổn định, đang chấp hành hình phạt tù, hoàn toàn không có điều kiện thi hành án. Với các lý do trên, dẫn đến những hồ sơ này vẫn chưa được đưa vào diện đềnghị xét miễn, giảm thi hành án, lượng án tồn đọng còn nhiều (Đã được khắc phục theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014).
1.3. Vướng mắc trong việc quy định điều kiện hoãn thi hành án
Điểm a Khoản 1 Điều 48 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“1….
a)….hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;”
Quy định về điều kiện hoãn thi hành án này đến nay chưa có văn bản hướng dẫn nên việc áp dụng hoãn còn tùy tiện, không thống nhất và chưa được khắc phục theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.
1.4. Vướng mắc trong việc quy định về trả đơn yêu cầu thi hành án:
Khoản 1 Điều 51 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định về trả đơn yêu cầu thi hành án nhưng không quy định thời hạn ra quyết định trả đơn là bao nhiêu ngày kể từ ngày có căn cứ trả đơn yêu cầu.
Điểm b Khoản 1 của điều này quy định về các trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án chưa cụ thể.
“1….
b)….người phải thi hành án có thu nhập thấp chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;”
Theo quy định này đến nay chưa có văn bản hướng dẫn: xác định thế nào là cuộc sống tối thiểu, căn cứ để xác định cuộc sống tối thiểu và chưa được khắc phục theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.
2. Quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật không phù hợp với thực tế đời sống xã hội gây khó khăn, trở ngại trong hoạt động thi hành án dân sự
2.1. Khó khăn trong việc cung cấp thông tin về tài sản và xác minh điều kiện thi hành án
Tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“1….
d) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”
Người có đơn yêu cầu thi hành án phải đảm bảo các nội dung trong đó bắt buộc phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trên thực tế người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng việc xác định người phải thi hành án có tài sản để thi hành án hay không là rất khó khăn vì phần lớn đương sự khó có thể tự xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nên họ thường yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án hoặc nếu có xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì kết quả xác minh đó chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan. Vì vậy Điều luật đưa ra nội dung này mang tính hình thức, khó thực hiện trên thực tế. (Chưa được khắc phục theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014).
2.2. Khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án
Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“ 2. …Việc xác minh điều kiện thi hành án phải lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, UBND, công an cấp xã…”.
Cơ quan thi hành án dân sự gặp không ít khó khăn khi xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án do lượng án nhiều, địa bàn rộng và khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án thường không có mặt đủ một lúc cả 3 đối tượng nêu nên. Nếu thiếu một trong ba chữ ký xác nhận của người có trách nhiệm nêu trên thì biên bản xác minh điều kiện thi hành án không có giá trị pháp lý. Trên thực tế tổ trưởng tổ dân phố xác nhận về điều kiện của người phải thi hành án nhưng phần lớn thời gian họ đi làm vắng, không thường xuyên ở nhà nên khó liên hệ, mặt khác họ sợ trách nhiệm và ngại va chạm. Trong khi đó, Nhà nước cũng không có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và không có cơ chế quy trách nhiệm đối với họ, nên họ thường không nhiệt tình hợp tác (Đã được khắc phục theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014).
2.3. Vướng mắc trong các quy định chi phí thông báo về thi hành án
Khoản 4 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“4. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu”.
Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa quy định cụ thể về mức thu của từng loại chi phí thông báo về thi hành án do người phải thi hành án, ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành phải chịu.
3. Quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa rõ về thẩm quyền, về quyền và nghĩa vụ, về sự phối hợp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân ...
3.1. Vướng mắc trong cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác
Điều 75 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
"Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết".
Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp đương sự thực hiện khởi kiện tại Toà án theo hướng dẫn của Chấp hành viên, nhưng Toà án không thụ lý vụ việc.
3.2. Vướng mắc trong phối hợp giữa cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thu tiền thi hành án
Khoản 3 Điều 180 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng như Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
“3. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thu tiền thi hành án theo quy định của Luật này”.
Tuy nhiên, thời gian quan, khi cơ quan thi hành án dân sự có văn bản phối hợp và cử cán bộ, chấp hành viên đến các trại giam, trại tạm giam xác minh tiền lưu ký, gửi trả tiền thi hành án ... không đóng trên cùng một địa bàn của tỉnh thì gặp không ít khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, quyền của người phải thi hành án, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự. Muốn thực hiện được quy định này thì phải có hướng dẫn hoặc phải được quy định trong luật.
4. Quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa phù hợp với các văn bản pháp luật ở các lĩnh vực khác có liên quan khi tổ chức thi hành án:
4.1. Vướng mắc trong kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án gắn liền với tài sản của người khác
Thực tế hiện nay trong hoạt động thi hành án dân sự nảy sinh nhiều vướng mắc về việc phải xử lý nhà ở của người phải thi hành án được xây dựng trên đất của người khác. Trong nhiều trường hợp, người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất là ngôi nhà đó được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng nằm trên đất mượn, cơ quan thi hành án dân sự đó tiến hành kê biên ngôi nhà để đảm bảo thi hành án, nhưng hầu như không thể xử lý tiếp được. Trong khi đó, Luật Nhà ở không cấm chủ sở hữu nhà đó có giấy chứng nhận quyền sở hữu tham gia các giao dịch. Khi các giao dịch này được thực hiện, phát sinh tranh chấp, sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đến giai đoạn thi hành án, cơ quan thi hành án thường gặp phải khó khăn nêu trên.
4.2. Vướng mắc trong thi hành quyết định về tuyên bố phá sản doanh nghiệp
Theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp, khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phụ trách vụ việc ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ quản lý, thanh lý tài sản áp dụng các quy định của Luật phá sản và pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, hiện nay nhiều vụ việc phá sản tồn đọng, không giải quyết dứt điểm được do nhiều nguyên nhân khác nhau như không xác định được địa chỉ cụ thể của doanh nghiệp phá sản cũng như chủ nợ của các doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản vì những thông tin này trong danh sách mà Toà án cung cấp rất chung chung... Đối với những trường hợp đã có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, chuyển sang giai đoạn thi hành án thì những vướng mắc này cũng không thể khắc phục được. Để phần nào khắc phục được những vướng mắc này, Toà án có thẩm quyền, Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản doanh nghiệp cần phải tiến hành xác minh, lập hồ sơ trong đó có danh sách và địa chỉ các chủ nợ, doanh nghiệp hoặc HTX bị phá sản một cách chi tiết, đầy đủ.
Trên đây là một số những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng các quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 trao đổi cùng đồng nghiệp.
Nguyễn Thị Thuỷ