ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -09:32 AM

Trao đổi bài viết "Tiếp tục giải quyết hay đình chỉ giải quyết vụ án".

 | 

Sau khi đọc bài viết "Tiếp tục giải quyết hay đình chỉ giải quyết vụ án" của tác giả Trần Thị Huệ được đăng trên trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 06/8/2015. Tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

>>> Tiếp tục giải quyết hay đình chỉ giải quyết vụ án?

Thứ nhất, về việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Tôi đồng tình với quan điểm thứ 2 của tác giả, vì:

Sau khi vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa chị Ngọc và ông Vui bị Tòa án nhân dân tối cao hủy để xét xử lại, ngày 22/2/2015 Toà án nhân dân huyện G đã thụ lý lại vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 12/3/2015 chị Ngọc đã có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện. Ngày 17/3/2015 ông Vui có ý kiến đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Vậy theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân huyện G đã căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS (người khởi kiện rút đơn khởi kiện) để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là đúng quy định.

Đối với số tiền 40.924.700đ ông Vui đã thanh toán trả cho chị Ngọc nếu ông Vui có yêu cầu thì Tòa án nhân dân huyện G cần hướng dẫn ông khởi kiện bằng một vụ án mới để được giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho ông Vui.

Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết đơn của ông Vui:

Việc ông Vui yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện G, Chi cục thi hành án dân sự huyện G xem xét, giải quyết trả lại gia đình ông số tiền 37.046.200đ và tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng Nhà nước đồng thời bồi thường danh dự nhân phẩm cho ông là không có căn cứ và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân huyện G, vì:

Bản án dân sự sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện G đã buộc ông Vui phải thanh toán trả chị Ngọc tổng số tiền cả gốc và lãi là 40.924.700 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Vui có đơn kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm. Bản án dân sự phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh B đã không chấp nhận kháng cáo của ông Vui và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 26/6/2013 ông Vui và chị Ngọc đã đến Cơ quan thi hành án dân sự thoả thuận về việc thi hành án, ông Vui đã thanh toán trả tiền cho chị Ngọc và ngày 28/6/2013 chị Ngọc đã có đơn tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án.

Như vậy, việc ông Vui và chị Ngọc đến Cơ quan thi hành án thỏa thuận về việc thi hành án là hoàn toàn tự nguyện, không có việc Chi cục thi hành án dân sự huyện G tổ chức cưỡng chế gây thiệt hại cho ông Vui.

Cũng theo phân tích của tác giả, căn cứ Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường, giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Trong trường hợp này chưa có văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật nên đơn yêu cầu của ông Vui là không có căn cứ.

Xin được trao đổi và mong nhận được ý kiến tham gia đóng góp của các đồng nghiệp.

Nguyễn Thị Nghĩa - Viện KSND huyện Tân Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,809,858
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.231.160

    Thư viện ảnh