ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -16:49 PM

Giải quyết theo thủ tục dân sự hay hình sự?

 | 

Trong thời gian gần đây, tình hình tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tài sản, đặc biệt là các hợp đồng vay có cầm cố, thế chấp tài sản để vay tiền xảy ra nhiều và phức tạp. Có trường hợp, các bên khởi kiện ra Tòa án đề nghị giải quyết theo pháp luật về dân sự nhưng cũng có trường hợp lại đề nghị Cơ quan điều tra giải quyết theo pháp luật hình sự, điều này đã gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng quan hệ pháp luật để giải quyết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết đối với hai vụ việc cụ thể như sau:

* Vụ thứ nhất:

Ngày 30/9/2013, Nguyễn Văn T viết giấy bán 01 xe ô tô (đăng ký xe mang tên T) cho Trần Ngọc H (giấy mua bán có chứng thực của UBND xã ) với giá 450 triệu đồng. T và H làm hợp đồng với nội dung: T thuê lại chiếc xe ô tô trên của H để kinh doanh với giá 6 triệu đồng/tháng nhưng H vẫn giữ giấy tờ xe. Sau khi hoàn tất giấy tờ mua bán xe, H không đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục thay đổi đăng ký xe nên giấy tờ đăng ký xe vẫn mang tên T.

Về lý do của việc mua bán xe, theo H khai thì khoảng đầu tháng 9/2013, T vay của H 200 triệu đồng và để lại chiếc xe ô tô trên cùng giấy tờ xe để làm tin. Đến ngày 30/9/2013 do không trả được nợ, T bán chiếc xe ô tô trên cho H với giá 450 triệu đồng, trừ đi số tiền T đã vay thì H trả thêm cho T 250 triệu đồng. Tháng 11/2013, T đến nhà H mượn lại toàn bộ giấy tờ gốc của xe ô tô với lý do sợ đi đường bị Công an kiểm tra, do tin tưởng T nên H đã giao giấy tờ xe cho T.

Theo T khai việc T viết giấy bán xe và hợp đồng thuê xe với H thực chất là để làm tin để vay 200 triệu đồng vào khoảng tháng 9/2013. Sau khi cho T vay 200 triệu đồng, H giữ lại toàn bộ giấy tờ đăng ký xe và giấy mua bán xe còn T vẫn sử dụng xe và số tiền 200 triệu đã vay của H. Khoảng một tháng sau, do không có tiền trả nên H giữ luôn chiếc xe ô tô của T. Khoảng một tháng sau đó, T trả được 170 triệu đồng, số tiền còn lại T xin nợ lại, H đồng ý và cho T mang xe ô tô cùng toàn bộ giấy tờ xe về, H vẫn giữ giấy tờ mua bán xe với T để làm tin.

 Tháng 12/2013 do không có tiền, T bán chiếc xe ô tô trên cho một cửa hàng mua bán xe ở Gia Lâm, Hà Nội với giá 480 triệu đồng. Việc T bán xe ô tô thì H hoàn toàn không được biết.

H cho rằng T đã chiếm đoạt chiếc xe ô tô của mình nên làm đơn trình báo Công an đề nghị giải quyết. Quá trình giải quyết vụ việc, đã có 02 quan điểm khác nhau về việc áp dụng pháp luật để giải quyết:

- Quan điểm thứ nhất: Việc T bán xe ô tô cho H là có thật, sau khi mua bán xe, H không đến Cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục thay đổi đăng ký xe là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 36/2010/TT-BCA quy định về đăng ký xe, nhưng đó là vi phạm về thủ tục hành chính. Trong trường hợp này vẫn phải xác định H là chủ sở hữu của chiếc xe ô tô trên (vì T đã bán xe cho H, giấy bán xe đã được UBND xã chứng thực). Hành vi của Nguyễn Văn T có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 BLHS cần phải xử lý bằng pháp luật hình sự.

- Quan điểm thứ hai: Về bản chất, việc mua bán xe ô tô giữa T và H xuất phát từ việc vay mượn tiền giữa 2 người (cả T và H đều thừa nhận có việc T vay tiền của H). Mặc dù khi mua bán xe, giữa H và T đã làm hợp đồng mua bán, có chứng thực của UBND xã nhưng đây là hợp đồng “giả tạo”, không có việc mua, bán xe trên thực tế mà chỉ là việc thế chấp để vay tiền. Mặt khác, sau khi mua bán xong, H không đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên và thay đổi đăng ký nên quyền sở hữu đối với chiếc ô tô đó vẫn là của T.

Điều 439 Bộ luật dân sự quy định: “Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.

 Điều 6 Thông tư số 36/2010/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn“Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe”.

Như vậy, tại thời điểm T bán chiếc xe ô tô thì chiếc xe này chưa thuộc quyền sở hữu của H. Do vậy, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn T.

* Vụ thứ hai:

Ngày 10/3/2009, Công ty TNHH một thành viên M do Lê Anh T làm giám đốc đã làm hợp đồng thanh lý, bán chiếc máy đào bánh xích nhãn hiệu HITACHI với giá 300.000.000 đồng cho ông Trần Đ. Ngày 22/3/2009, anh T đã làm hợp đồng thuê lại của ông Đ chiếc máy trên với giá 10.000.000 đồng/tháng, tháng nào trả tiền thuê máy tháng đó, hỏng hóc T phải sửa chữa.

Đến tháng 6/2010 khi đang thi công tại công trình thì máy bị hỏng nên anh T đã chuyển chiếc máy đào bánh xích trên về xưởng sửa chữa của anh Nguyễn Trọng H để sửa chữa. Đồng thời trong thời gian anh H sửa chữa máy, do cần tiền để kinh doanh nên vợ chồng anh T đã vay của anh H 100.000.000 đồng. Sau khi sửa chữa xong, anh H đã nhiều lần gọi T đến trả tiền sửa chữa, tiền vay nhưng do làm ăn thua lỗ, T chưa trả được nên chiếc máy vẫn để ở xưởng sửa chữa của anh H và T không còn khả năng trả nợ cũng như thanh toán tiền sửa chữa máy cho anh H. Thực tế máy cũng đã hư hỏng nặng do không sử dụng nhiều năm. Ngày 07/7/2014, do nghi ngờ T đã cầm cố chiếc máy đào bánh xích cho anh H nên ông Đ làm đơn trình báo Cơ quan công an đề nghị giải quyết vụ việc. Quá trình giải quyết vụ việc nêu trên cũng có 02 quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất: Sau khi thuê được máy, T không trả tiền thuê máy hàng tháng cho ông Đ bà Th theo như thỏa thuận, khi T mang máy đi sửa chữa tại xưởng của anh H nhưng cũng không thông báo cho ông Đ biết, sau đó do không có khả năng trả tiền sửa chữa máy nên anh H giữ chiếc máy tại xưởng không cho T lấy về, T cũng không thông báo cho ông Đ biết. Trong thời gian T để chiếc máy đào bánh xích đã sửa chữa tại xưởng của anh H, vợ chồng T có vay của anh H 100 triệu đồng. Chính vì điều này, ông Đ cho rằng T đã chiếm đoạt chiếc máy đào bánh xích để thế chấp vay tiền. Thực tế anh H cũng tin T còn máy ở đó nên mới đồng ý cho vay tiền. Do vậy, hành vi nêu trên của Lê Anh T có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 BLHS, cần phải bị xử lý bằng pháp luật hình sự.

- Quan điểm thứ hai: Do chiếc máy đào bánh xích bị hỏng nên anh T đã chuyển máy đến xưởng sửa chữa của anh H để sửa chữa. Lý do T chưa lấy máy về là do T không có tiền trả chứ T không thế chấp, T có vay của H 100 triệu đồng là quan hệ dân sự độc lập và đến nay T không có khả năng trả nợ là do việc làm ăn thua lỗ, T không có ý thức chiếm đoạt tiền của anh H. Về hợp đồng thuê máy giữa ông Đ với T đến nay  vẫn còn hiệu lực, việc T không trả được tiền thuê máy là do T làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ, còn chiếc máy đào bánh xích do T thuê vẫn đang để ở xưởng của anh H, bản chất của sự việc nêu trên cũng xuất phát từ việc “siết nợ”. Do vậy, trong trường hợp này các bên đều có quyền khởi kiện để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trong cả hai vụ việc nêu trên, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, tức là không có dấu hiệu của tội phạm hình sự, rất mong nhận được trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc để nâng cao nhận thức pháp luật, tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát./.

Nguyễn Thị Lệ Thủy- VKSND huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,419,909
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.214.175

    Thư viện ảnh