Ngày 09/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với công tác đánh giá, phân loại cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
Nghị định bao gồm 05 chương, 31 điều quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục, tiêu chí, thẩm quyền đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó, có một số vấn đề cần hết sức quan tâm. Vớiphạm vi bài viết này, tôi xin phép chỉ đề cập đến những nội dung có liên quan trực tiếp đối với công chức:
Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Thứ nhất, về nguyên tắc, việc đánh giá và phân loại (quy định tại Điều 3) phải bảo đảm đúng thẩm quyền, khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang, thiên vị cũng như không trù dập, định kiến; đồng thời phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý và theo nguyên tắc mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai, căn cứ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được quy định cụ thể, rành mạch trong Nghị định (Điều 4). Theo đó, đối với công chức, căn cứ đánh giá bao gồm: a. Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức; b. Tiêu chuẩn ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo, quản lý; c. Nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm được phân công hoặc được giao chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Như vậy, phạm vi căn cứ đánh giá công chức đã được xác định một cách cụ thể, toàn diện hơn so với các quy định trước đây. Đáng lưu ý là trong các căn cứ đánh giá thì các vấn đề về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp…được xác định là những căn cứ quan trọng. Đây là những phạm trù, khái niệm định tính, nên đòi hỏi quá trình đánh giá phải dựa trên quan điểm khách quan, toàn diện và công tâm.
Thứ ba, về nội dung đánh giá công chức: Theo quy định tại Điều 15 thì nội dung đánh giá công chức được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức, bao gồm: a. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; b. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; c. Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; d. Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; đ. Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; e. Thái độ phục vụ nhân dân.
Ngoài những quy định nêu trên, đối với công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau: a. Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; b. Năng lực lãnh đạo, quản lý; c. Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.
Thứ tư, các tiêu chí phân loại, đánh giá công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ được quy định rất cụ thể tại các Điều 18, 19, 20, 21. Ngoài việc quy định các tiêu chí đánh giá chung đối với công chức thì còn quy định cụ thể một số tiêu chí đánh giá đối với công chức lãnh đạo, quản lý. Điểm đáng lưu ý là theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 18 thì công chức được phân loại, đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận”. Theo tôi, đây là tiêu chí có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình đánh giá, phân loại công chức cũng như trong công tác thi đua- khen thưởng, bởi lẽ nó là căn cứ cơ bản để xác định sự khác biệt giữa mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với các mức phân loại, đánh giá khác. Tuy nhiên, mặc dù đây không phải là vấn đề mới, song trên thực tế, chất lượng thực hiện tiêu chí này còn có những hạn chế nhất định, cần phải có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thứ năm, về thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá, phân loại công chức theo quy định tại Điều 16 đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, người đứng đầu trực tiếp đánh giá, phân loại đối với cấp phó và công chức thuộc quyền quản lý, đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại của mình.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2015; bãi bỏ Điều 45 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Điều 37 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức./.
Nguyễn Xuân Hồng