ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -16:09 PM

Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ án ?

 | 

Ngày 29/9/2010, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại HĐ có trụ sở tại quận T, thành phố Hà Nội (sau đây viết tắt là Công ty HĐ) và Công ty TNHH một thành viên cơ khí hóa chất HB có trụ sở tại thành phố B, tỉnh G (sau đây viết tắt là Công ty HB) đã ký kết Hợp đồng mua bán số 117/2010/HĐKT.

Theo nội dung của Hợp đồng, thì Công ty HĐ bán cho Công ty HB 190.119 kg thép tấm cán nóng Q235A, tổng giá trị hàng hóa là 2.693.925.799 đồng, chất lượng thép mới 100%, sản xuất theo tiêu chuẩn và có chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất. Thời gian giao hàng ngay sau khi hai bên ký kết hợp đồng kinh tế và giao hàng tại kho bên mua. Thời hạn thanh toán tiền trong vòng 30 ngày kể từ ngày bên mua nhận hàng, nếu quá thời hạn thanh toán bên mua phải chịu lãi suất 2%/tháng cho số ngày chậm trả, nhưng không quá 5 ngày tiếp theo. Hai bên cam kết, nếu bên nào vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên kia thì phải chịu bồi thường mọi thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp xảy ra tranh chấp mà hai bên không tự thương lượng được thì sẽ đưa ra Tòa án kinh tế tại thành phố Hà Nội giải quyết.

Ngay sau khi ký hợp đồng, trong ngày 29/9/2010 Công ty HĐ đã giao đủ số lượng hàng hóa cho Công ty HB. Tính đến ngày 31/8/2012, Công ty HB mới thanh toán trả cho Công ty HĐ được 2.355.136.152 đồng, số tiền chưa trả là 338.820.595 đồng và số tiền lãi suất chậm thanh toán theo như hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Do Công ty HB không thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền còn nợ, nên ngày 14/12/2012 Công ty HĐ đã làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân thành phố B tỉnh G giải quyết. Ngày 08/4/2013, Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh G đã thụ lý vụ án.

Sau khi Công ty HB được Tòa án thông báo về việc thụ lý vụ án, ngày 20/5/2013 Công ty HB có đơn đề nghị Tòa án chuyển vụ án nêu trên đến Tòa án kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để giải quyết theo thỏa thuận tại hợp đồng đã ký giữa hai bên. Công ty HĐ không đồng ý với yêu cầu chuyển vụ án của Công ty HB.

Ngày 09/7/2013, Tòa án nhân dân thành phố B đã ra quyết định chuyển vụ án đến Tòa án nhân dân quận T, thành phố Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền (nơi Công ty HĐ đặt trụ sở).

 Ngày 09/9/2013, Tòa án nhân dân quận T, thành phố Hà Nội lại chuyển vụ án về Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh G để giải quyết, vì cho rằng các đương sự đã không thỏa thuận được với nhau về yêu cầu Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn giải quyết và việc Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh G căn cứ điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự để chuyển vụ án là không đúng quy định của pháp luật.

Từ đó, có hai ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, mặc dù khi ký kết hợp đồng hai bên đã thỏa thuận nếu xảy ra tranh chấp mà hai bên không tự thương lượng được thì sẽ đưa ra Tòa án kinh tế tại thành phố Hà Nội để giải quyết, nhưng việc thỏa thuận này là trái pháp luật. Căn cứ các qui định tại điểm a khoản 1 Điều 29, điểm b khoản 1 Điều 33 và điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì tranh chấp giữa Công ty HĐ và Công ty HB thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh G. Vì giữa hai công ty không có văn bản thỏa thuận với nhau yêu cầu Tòa án nơi có trụ sở của Công ty HĐ giải quyết tranh chấp, nên vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Hà Nội. Do vậy, việc Tòa án nhân dân quận T, thành phố Hà Nội chuyển lại vụ án về Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh G để giải quyết là đúng qui định của pháp luật.

Ý kiến thứ hai cho rằng, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh G, bởi vì: Theo hợp đồng đã ký, hai bên đã thỏa thuận trường hợp xảy ra tranh chấp mà hai bên không tự thương lượng được thì sẽ đưa ra Tòa án kinh tế tại thành phố Hà Nội giải quyết. Như vậy, hai bên đã có sự thống nhất về Tòa án giải quyết khi xảy ra tranh chấp, nên Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh G thụ lý giải quyết vụ án là không đúng thẩm quyền.

Quan điểm của tôi đồng tình với ý kiến thứ nhất, rất mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của các đồng nghiệp.

Hoàng Đức Trình

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,419,523
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.226.214.91

    Thư viện ảnh