.

Thứ sáu, 17/05/2024 -04:34 AM

Một số vấn đề cần chú ý trong việc định tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

 | 

Việc định tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

1. Trường hợp phạm tội quy định tại điểm a):

1.1- Thủ đoạn gian dối phải là để nhằm chiếm đoạt tài sản đó.

Nếu có sự gian dối của người nhận được tài sản nhưng vì lý do, mục đích khác không vì mục đích chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội.

Ví dụ: A đến nói với bạn mình là B cho mình mượn 200 triệu đồng để buôn vải thiều. Sau khi mượn được tiền, A không dùng vào việc buôn vải thiều mà lại dùng vào việc đầu tư mua đất ở. Khi B đòi tiền thì A nói dối đã đầu tư mua vải thiều sấy khô, để A bán vải thiều xong sẽ có tiền trả. Ở ví dụ này, mặc dù A có sự gian dối (nói dối B là tiền đầu tư vào mua vải thiều) nhưng việc nói dối của A không có mục đích chiếm đoạt tiền của B nên A không phạm tội.

Người phạm tội vì có ý thức chiếm đoạt tài sản nên tìm mọi thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt được tài sản đã nhận được tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý từ trước. Tức là ý thức chiếm đoạt tài sản phải xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản (đây là yếu tố rất quan trọng để phân biệt với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Để định tội một trường hợp cụ thể thì ta phải xác định người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối cụ thể là gì, được chứng minh bằng những tài liệu chứng cứ gì, thủ đoạn gian dối cụ thể đó nhằm chiếm đoạt tài sản cụ thể gì, giá trị bao nhiêu.  

1.2- Bỏ trốn phải là để nhằm chiếm đoạt tài sản đó.

 Bỏ trốn không để nhằm chiếm đoạt tài sản đó thì không phạm tội (Chẳng hạn như trường hợp bỏ trốn là vì bị chủ nợ thuê “xã hội đen” đến đe dọa giết chết, đánh đập nếu không trả nợ).

Do đó khi người nhận được tài sản đang trong quá trình bỏ trốn thì phải củng cố các chứng cứ chứng minh được họ bỏ trốn là để chiếm đoạt tài sản, nếu chưa có chứng cứ vững chắc để chứng minh họ bỏ trốn là để chiếm đoạt tài sản thì không đủ căn cứ định tội.

Ví dụ: A vay B 300 triệu đồng để làm ăn kinh doanh, A đầu tư vào bất động sản và bị thua lỗ nên không có tiền trả, B đòi A nhiều lần nhưng không được, A đã bỏ đi khỏi địa phương và không có thông tin liên lạc gì cho B nên B đã gửi đơn đến Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố A về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đã xác minh tại nơi cư trú, lấy lời khai người thân trong gia đình A nhưng đều khai nhận không biết A đi đâu. Hành vi của A có phải là hành vi bỏ trốn nhằm để chiếm đoạt số tiền 300 triệu đồng của B hay không? Theo quan điểm của chúng tôi, với những tài liệu chứng cứ nêu trên chưa có đủ căn cứ chứng minh A bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền 300 triệu đồng của B bởi lẽ, A chưa bỏ trốn thì đã bị thua lỗ mất khả năng thanh toán số tiền này thì không có tiền để chiếm đoạt nữa, mặt khác việc A bỏ đi khỏi địa phương với các kết quả điều tra xác minh như vậy chỉ mang tính suy diễn A bỏ trốn để nhằm chiếm đoạt tài sản, vẫn còn rất nhiều khả năng A bỏ trốn vì lý do khác như là bị B cho người dọa giết bởi trên thực tế B sẽ không bao giờ khai ra vấn đề này, còn A thì chưa có lời khai…

2 . Trường hợp phạm tội quy định tại điểm b):

2.1 - Thế nào là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp?

Như thế nào gọi là “mục đích bất hợp pháp” hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, bất hợp pháp theo nghĩa rộng là không đúng quy định của pháp luật trên mọi lĩnh vực đời sống , theo nghĩa hẹp là những việc có dấu hiệu phạm tội. Thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử  hiện nay chỉ coi bất hợp pháp là những hành vi có dấu hiệu phạm tội.

Ví dụ: Cắm xe lấy tiền dùng vào việc đánh bạc; Mượn tiền để mua xe nhưng sau đó lại dùng vào việc buôn ma túy…

Để định tội một trường hợp cụ thể thì phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh người phạm tội đã dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp cụ thể là gì, nếu chỉ dựa vào lời khai của họ thì khi họ thay đổi lời khai rất khó khăn cho việc định tội.

Ví dụ: A khai sau khi mượn được 20 triệu đồng của B, trên đường về thấy có sới bạc vào tham gia và bị thua hết số tiền trên. Vậy thì cần phải thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh A đã dùng số tiền mượn của B vào việc đánh bạc này.

 Nếu người có tài sản đồng ý cho người nào đó sử dụng tài sản của mình vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến người đó không có khả năng trả lại tài sản thì người đó không phạm tội bởi đã được chủ sở hữu đồng ý cho sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Ví dụ: A đang đánh bạc bị thua hết tiền nên hỏi B cho mượn xe mô tô cắm lấy tiền đánh bạc, B đồng ý cho A cắm xe của mình lấy tiền dùng vào việc đánh bạc. A đã thua hết tiền không có khả năng chuộc lại xe trả cho B. Trường hợp này A dùng tài sản của B vào mục đích bất hợp pháp (đánh bạc) và dẫn tới không có khả năng trả lại tài sản nhưng vì B đồng ý cho A dùng vào việc đó nên A không phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

2.2 - Thế nào là không có khả năng trả lại tài sản?

Dùng vào mục đích bất hợp pháp nhưng vẫn có khả năng trả lại tài sản thì không phạm tội. Do đó đòi hỏi để có đầy đủ căn cứ định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 140 BLHS thì ngoài việc chứng minh người phạm tội đã dùng tài sản vay được, mượn được…vào mục đích bất hợp pháp còn phải chứng minh họ không có khả năng trả lại tài sản sau khi đã dùng vào mục đích bất hợp pháp nữa.

+ Chú ý thứ nhất là: khả năng trả lại tài sản phải ở “thời điểm hiện tại” người sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp vẫn có khả năng trả lại tài sản (nhưng chưa trả) chứ không phải là ở trong tương lai sẽ xuất hiện khả năng trả lại tài sản.

+ Chú ý thứ hai là:  Trả lại tài sản được hiểu là trả lại chính tài sản đó hay có thể được đền bù bằng tài sản khác hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ví dụ: A mượn của B một chiếc xe mô tô sau đó cắm xe cho một người không rõ lai lịch tại sới bạc để lấy 20 triệu đồng dùng vào việc đánh bạc và đã bị thua hết tiền. A về nhà lấy tiền và đi tìm người đã nhận cắm xe để chuộc xe nhưng không được vì không rõ người đó đã đem xe của B đi đâu. A liền tìm gặp B đưa cho 30 triệu đồng bồi thường trị giá chiếc xe nhưng B không nhận tiền mà chỉ đòi A phải trả xe. Vậy A có phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không? Ở ví dụ này, mặc dù A không có khả năng trả lại tài sản là chiếc xe mô tô đã mượn của B, nhưng A lại có đủ tiền để đền bù cho B tương đương giá trị chiếc xe của B và đã đem tiền đến trả cho B. Có ý kiến cho rằng như vậy A không có ý thức chiếm đoạt tài sản của B, do đó A không phạm tội nhưng cũng có ý kiến cho rằng A đã phạm tội bởi A đã không có khả năng trả lại tài sản cho B là chiếc xe mô tô, còn việc A đưa số tiền 30 triệu đồng cho B chỉ là “bồi thường thiệt hại” hoặc “khắc phục hậu quả” ?. Từ đó cho thấy việc xác định như thế nào là không có khả năng trả lại tài sản cũng gặp rất nhiều khó khăn trên thực tiễn.  Do đó, để định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều 140 BLHS cần hết sức thận trọng, phải có đủ tài liệu, chứng cứ vững chắc chứng minh người phạm tội đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì mới khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được.

Đặng Bá Hưng-VKS huyện Sơn Động

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,915,784
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.158.226

    Thư viện ảnh