Ngày 20/01/2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (viết tắt là Pháp lệnh số 09). Ngày 06/02/2015, Viện KSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 17/HD-VKSTC-V12 về công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành Pháp lệnh số 09, theo đó việc lập hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm đúng qui định của Luật xử lý vi phạm hành chính (viết tắt Luật XLVPHC). Để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện KSND các cấp phải tích cực học tập, nghiên cứu, nắm vững kiến thức về lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.
1. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng:
* Qui định về đối tượng, thời hạn, thời hiệu áp dụng biện pháp (viết tắt là ADBP) đưa vào trường giáo dưỡng:
Theo khoản 2 Điều 91 Luật XLVPHC qui định: Thời hạn ADBP đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng và theo điểm b khoản 2 Điều 6 Luật này thì thời hiệu qui định đối với các đối tượng bị đề nghị áp dụng như sau:
- Thời hiệu ADBP đưa vào trường giáo dưỡng là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm qui định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 92 Luật XLVPHC.
Khoản 1 qui định: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý qui định tại Bộ luật hình sự (viết tắt BLHS)
Khoản 2 qui định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý qui định tại BLHS.
- Thời hiệu ADBP đưa vào trường giáo dưỡng là 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm qui định tại khoản 3 Điều 92 Luật XLVPHC hoặc kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm qui định tại khoản 4 Điều 94 Luật XLVPHC.
Khoản 3 qui định: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý qui định tại BLHS mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn.
Khoản 4 qui định: Người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 6 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn.
Lưu ý: Không ADBP đưa vào trường giáo dưỡng trong các trường hợp qui định tại khoản 5 Điều 92 Luật XLVPHC như: Không có năng lực trách nhiệm hành chính; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
* Thủ tục lập hồ sơ đề nghị ADBP đưa vào trường giáo dưỡng (Qui định tại Điều 99 Luật XLVPHC):
- Đối với người chưa thành niên vi phạm có nơi cư trú ổn định: Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị. Hồ sơ gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm của người vi phạm; biện pháp giáo dục đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm; ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ; ý kiến của nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên đang học tập hoặc làm việc (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan.
- Đối với người chưa thành niên vi phạm không có nơi cư trú ổn định: Do Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị. Hồ sơ gồm: Biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục tiền án, tiền sự; biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có); bản tường trình của người vi phạm; ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ (Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị trong hai trường hợp trên).
- Trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 92 Luật XLVPHC), thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị ADBP đưa vào trường giáo dưỡng đối với người đó. Hồ sơ gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; biện pháp giáo dục đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm; ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan đã lập phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ (họ có quyền được đọc lại hồ sơ, ghi chép những nội dung cần thiết trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận thông báo). Sau đó chuyển hồ sơ cho Phòng tư pháp cấp huyện. Trưởng phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ trong thời hạn 5 ngày và gửi Trưởng Công an cùng cấp. Trưởng Công an cấp huyện xem xét, quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án cấp huyện ADBP đưa vào trường giáo dưỡng (Thời hạn xem trong 7 ngày và phải có văn bản đề nghị của Trưởng công an cấp huyện)
2. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
* Qui định về đối tượng, thời hạn, thời hiệu ADBP đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc:
- Theo qui định tại khoản 2 Điều 93 Luật XLVPHC thì thời hạn ADBP đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ 06 tháng đến 24 tháng.
- Theo điểm c khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC qui định: Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm qui định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC.
Khoản 1 qui định: Đối tượng bị ADBP đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã ADBP giáo dục tại xã phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Lưu ý: Không ADBP này trong các trường hợp qui định tại Khoản 2 Điều 94 Luật XLVPHC như: Không có năng lực trách nhiệm hành chính; người chưa đủ 18 tuổi; nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
* Thủ tục lập hồ sơ đề nghị ADBP đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Qui định tại Điều 101 Luật XLVPHC):
Đối với người vi phạm có nơi cư trú ổn định: Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị. Hồ sơ gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; biện pháp giáo dục đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan.
Đối với người không cư trú tại nơi có hành vi vi phạm pháp luật: Chủ tịch UBND cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì phải có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về đề địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Hồ sơ gồm: Biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục tiền án, tiền sự; biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có); bản tường trình của người vi phạm; ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ (Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị trong hai trường hợp trên).
- Trường hợp người vi phạm do cơ quan công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo qui định tại Điều 94 Luật XLVPHC, thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị ADBP đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Hồ sơ đề nghị gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục tiền án, tiền sự; biện pháp giáo dục đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan đã lập phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng, hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ (họ có quyền được đọc hồ sơ và ghi chép những nội dung cần thiết trong thời hạn 5 ngày). Sau đó hồ sơ chuyển Trưởng Phòng tư pháp cấp huyện. Trưởng phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ (trong thời hạn 5 ngày) và gửi Trưởng Công an cùng cấp. Trưởng công an cấp huyện xem xét, quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án cấp huyện ADBP đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Thời hạn xem trong 7 ngày và phải có văn bản đề nghị của Trưởng công an cấp huyện)
3. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
* Qui định về đối tượng, thời hạn, thời hiệu ADBP đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
Theo qui định tại khoản 2 Điều 95 Luật XLVPHC, thời hạn ADBP đưa vào trường giáo dưỡng từ 12 tháng đến 24 tháng và theo điểm d khoản 2 Điều 6 Luật này thì thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm qui định tại khoản 1 Điều 96 của Luật XLVPHC
Khoản 1 qui định: Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng giáo dục tại xã phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị ADBP này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Lưu ý: Không ADBP này trong các trường hợp qui định tại Khoản 2 Điều 96 Luật XLVPHC như: Không có năng lực trách nhiệm hành chính; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
*Thủ tục lập hồ sơ đề nghị ADBP đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Qui định tại Điều 103 Luật XLVPHC):
- Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định: Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị. Hồ sơ gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan.
- Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật: Chủ tịch UBND cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì phải có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về đề địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị ADBP đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hồ sơ gồm: Biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị ADBP giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người nghiện ma túy(Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị trong hai trường hợp trên).
- Trường hợp người nghiện ma túy vi phạm do cơ quan công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo qui định tại Điều 96 Luật XLVPHC, thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó. Hồ sơ đề nghị gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị ADBP giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.
Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan đã lập phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng, hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ (họ có quyền được đọc lại hồ sơ, ghi chép những nội dung cần thiết trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận thông báo). Sau đó hồ sơ chuyển Trưởng Phòng tư pháp cấp huyện. Trưởng phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ (trong thời hạn 5 ngày) và gửi Trưởng phòng Lao động- thương binh xã hội cùng cấp.
Trưởng phòng Lao động, thương binh xã hội cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án cấp huyện ADBP đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Quyết định trong thời hạn 7 ngày)./.
Nguyễn Thị Huệ- Phòng 12