ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -08:10 AM

Những điểm mới quan trọng trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

 | 

Ngày 19/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được thông qua (Luật HN&GĐ năm 2014), có hiệu lực ngày 01/01/2015. Về kết cấu, Luật có 09 chương, 133 điều quy định những vấn đề như: Kết hôn; quan hệ giữa vợ và chồng; chấm dứt hôn nhân; quan hệ giữa cha, mẹ và con; quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình; cấp dưỡng; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...Dưới đây là những điểm mới cơ bản của Luật HN&GĐ năm 2014 so với Luật HN&GĐ năm 2000.

1. Việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình: Điều 7 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”. Quy định này thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính thống nhất và nghiêm minh của pháp luật.

2. Nâng độ tuổi kết hôn: Theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 thì nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên là đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, theo Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 thì nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn.

3. Không cấm kết hôn đồng giới: Luật HN&GĐ năm 2014 bỏ quy định “Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, nhưng lại quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8). Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, tuy nhiên sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Đây là sự nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của Nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay.

4. Cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo: Luật HN&GĐ năm 2014  đã chính thức thừa nhận và cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo (cụ thể từ Điều 93 đến Điều 98), song phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Theo đó, các cặp vợ chồng vì lý do nào đó không thể tự sinh con có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện, gồm: Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Luật cũng quy định rõ điều kiện của người mang thai hộ như: Người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ 01 lần… nhằm ngăn ngừa tình trạng “thương mại hóa” việc mang thai hộ.

5. Bảo vệ phụ nữ đối với hôn nhân không đăng ký: Đối với hôn nhân không đăng ký, mặc dù không được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng Luật HN&GĐ năm 2014 đã có quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ khi có tranh chấp xảy ra. Điều 16, quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Trong đó, đáng chú ý là việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

6. Về chế độ tài sản của vợ chồng: Nếu hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì phải lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về tài sản bao gồm: “Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan, tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản…”. Thỏa thuận này vẫn có thể được sửa đổi, bổ sung sau khi kết hôn. Đây là quy định mới, rõ ràng, thể hiện sự bình đẳng giữa vợ, chồng khi kết hôn, góp phần giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn, tạo thuận lợi cho Tòa án khi giải quyết ly hôn, nhất là trong tình hình hiện nay, các vụ án ly hôn ngày càng tăng.

7. Về đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn: Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 01/01/2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

8. Bạo lực gia đình là căn cứ để ly hôn: Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định rõ “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Đây cũng là quy định mới rất quan trọng nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và bảo vệ quyền con người trong tiến trình hội nhập quốc tế.

9. Xét đến yếu tố lỗi trong chia tài sản khi ly hôn: Điểm d khoản 2 điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 có đề ra nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn, đó là xác định lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Theo đó, đối với các trường hợp một bên vợ, chồng không chăm lo làm ăn, gây dựng tài sản, xây dựng hạnh phúc, cố tình phá tán tài sản, gây nợ nần…, có hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng, có hành vi bạo lực gia đình, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhau… sẽ được Tòa án xem xét khi phân chia tài sản, theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn sẽ nhận được tài sản ít hơn. Có như vậy mới bảo đảm sự công bằng đối với người chuyên tâm lo làm ăn xây dựng gia đình, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật về HNGĐ.

10. Thay đổi độ tuổi hỏi ý kiến của trẻ: Khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con ( Luật HN&GĐ năm 2000 quy định nếu con từ đủ chín tuổi trở lên).

11. Trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn cho cơ quan đăng ký hộ tịch: Trước đây, khi giải quyết ly hôn, Tòa án không gửi bản sao bản án hoặc quyết định ly hôn đã có hiệu lực cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Nay, Điều 57 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định rõ: Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch. Đây là quy định tiến bộ, nhằm tăng cường sự quản lý, cập nhật thay đổi về hộ tịch, vừa giảm thủ tục hành chính cho người dân, phù hợp với các quy định của Luật Hộ tịch sẽ có hiệu lực từ 01/01/2016.

Việc nghiên cứu và hiểu đúng các quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 cũng sẽ góp phần rất to lớn trong việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân, nhất là trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc hôn nhân và gia đình./.

 Đồng Thị Toàn- Viện KSND huyện Lạng Giang.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,808,643
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.149.255.239

    Thư viện ảnh