Sau khi đọc bài viết “Công nhận hợp đồng hay tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu” của tác giả Nguyễn Minh Nguyệt đăng trên trang tin điện tử Ngành Kiểm sát Bắc Giang ngày14/4/2025. Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai vì các lẽ sau:
>>> Công nhận hợp đồng hay tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu?
Hợp đồng đặt cọc tháng 8/2021 giữa anh K và anh T về việc giao dịch mua bán 03 lô đất tại khu đô thị thành phố Bắc Giang đều được hai người thừa nhận là có thật, xác lập trên cơ sở tự nguyện.
Mục đích của anh K khi ký kết hợp đồng đặt cọc là mong muốn nhận chuyển nhượng 03 lô đất. Nhưng tại thời điểm ký kết hợp đồng đặt cọc thì 03 lô đất vẫn thuộc dự án của chủ đầu tư (đang triển khai giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng), chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định tại Điều 9 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014; Điều 168, 188 Luật đất đai năm 2013; anh T nhận đặt cọc từ bà D còn bà D nhận đặt cọc từ bên thứ ba và đều chưa được bàn giao đất. Như vậy, anh K và anh T đều không kiểm tra đất trên thực tế, biết rõ đối tượng của hợp đồng không có nhưng vẫn ký kết, do đó hợp đồng đặt cọc không thể thực hiện được, mục đích nhận chuyển nhượng không đạt được. Anh T và anh K đều có lỗi trong việc ký hợp đồng đặt cọc (theo Mục 1.I Nghị quyết 01/2003 ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của anh K đề nghị tuyên bố Hợp đồng đặt cọc vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là có cơ sở, cần chấp nhận theo Điều 117, 118, 122, 123, 131, 328, 408 Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án dân sự, cần làm rõ quy trình ký hợp đồng đặt cọc giữa chủ đầu tư dự án và bên thứ ba (là chủ đầu tư cấp II- trực tiếp giao dịch với bà D) xem xét có hay không dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Mong được sự trao đổi của các đồng nghiệp./.
Đặng Minh Hà- VKSND thành phố Bắc Giang