Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2015. So với Luật tổ chức Viện KSND năm 2002, Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 có nhiều đổi mới hơn, đã quy định rõ hơn các mặt công tác và nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Viện KSND trong từng lĩnh vực công tác. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến những đổi mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND kể từ sau ngày Luật Tổ chức Viện KSND có hiệu lực thi hành (01/6/2015) và từ đó đưa ra những điểm cần lưu ý khi thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND trong lĩnh vực công tác kiểm sát kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự như sau:
1. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 lần đầu tiên quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 12 và Đ13). Ngoài một số nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trước đây như việc phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ…còn có một số nhiệm vụ quyền hạn mới như sau:
Thứ nhất, Phê chuẩn, không phê chuẩn các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điểm b khoản 3 điều 3 và Khoản 1 điều 12).
Thứ hai: Hủy bỏ các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. (Điểm c khoản 3 điều 3 và Khoản 2 điều 12)
Thứ ba: Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục (Điểm e khoản 3 điều 3 và Khoản 4 điều 12).
*Lưu ý: Căn cứ quy định tại điều 2 Nghị quyết số 82 năm 2014 của Quốc Hội thì tất cả các nhiệm vụ, quyền hạn mới nêu trên Viện KSND chỉ được thực hiện sau khi Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành được sửa đổi, bổ sung về những quy định nói trên, được thông qua và có hiệu lực thi hành. Do đó, sau ngày 01/6/2015 mặc dù Luật tổ chức Viện KSND đã có hiệu lực thi hành nhưng Viện KSND chưa được thực hiện những nhiệm vụ, quyền hành này.
2. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
Những nhiệm vụ, quyền hạn mới quy định tại các khoản sau đây của điều 14:
1. Yêu cầu cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
4. Phê chuẩn, không phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân.
5. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật.
6. Phê chuẩn, không phê chuẩn, hủy bỏ các quyết định tố tụng khác của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
8. Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.
*Lưu ý: Căn cứ quy định tại điều 2 Nghị quyết số 82 năm 2014 của Quốc Hội thì tất cả các nhiệm vụ, quyền hạn mới của Viện KSND quy định tại các khoản 4, 5, 6, 8 điều 14 nêu ở trên chỉ được thực hiện sau khi Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành được sửa đổi, bổ sung về những quy định nói trên, được thông qua và có hiệu lực thi hành. Còn quy định mới tại khoản 1 điều 14 nêu trên được thực hiện ngay. Đối với các nhiệm vụ, quyền hạn về việc trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như lấy lời khai, hỏi cung…đã được quy định tại Bộ luật tố tụng hiện hành thì Viện KSND vẫn tiếp tục tiến hành theo đúng luật định.
3. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố:
Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 đã tách riêng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND trong giai đoạn truy tố ra khỏi giai đoạn điều tra như trong Luật tổ chức Viện KSND năm 2002. Những nhiệm vụ, quyền hạn mới quy định tại các khoản sau đây của điều 16:
1. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật;
3. Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.
4. Quyết định khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp phát hiện vụ án còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác chưa được khởi tố, điều tra và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.
7. Quyết định không truy tố bị can.
*Lưu ý: Căn cứ quy định tại điều 2 Nghị quyết số 82 năm 2014 của Quốc Hội thì nhiệm vụ, quyền hạn mới của Viện KSND quy định tại khoản 1 điều 16 nêu ở trên chỉ được thực hiện sau khi Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành được sửa đổi, bổ sung về những quy định nói trên, được thông qua và có hiệu lực thi hành. Còn quy định mới tại khoản 3, 4, 7 điều 16 nêu ở trên được thực hiện ngay, tuy nhiên khi thực hiện cần thận trọng nghiên cứu, áp dụng các quy định cụ thể của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành cho phù hợp hoặc chờ Viện KSND Tối cao ban hành mới các hướng dẫn, quy định, biểu mẫu.
4. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự:
Về cơ bản, không có nhiệm vụ, quyền hạn nào mới. Tuy nhiên, về quyền kháng nghị của Viện KSND quy định tại điều 18 và điều 19 đã phân định rõ: Quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội thuộc phạm vi thực hành quyền công tố; Quyền Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thuộc phạm vi kiểm sát hoạt động tư pháp.
*Lưu ý: + Căn cứ điều 5 Luật tổ chức Viện KSND năm 2014, Viện KSND phải có trách nhiệm ban hành kháng nghị khi Bản án, quyết định của tòa án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu vi phạm pháp luật thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì Viện KSND ban hành kiến nghị, không ban hành kháng nghị.
+ Chú ý khi xem xét kháng nghị các quyết định cá biệt của Tòa án trong giai đoạn kiểm sát xét xử án hình sự cần phải thực hiện theo đúng các quy định về thẩm quyền kháng nghị, thời hạn kháng nghị của Viện KSND tại Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 đã có sự thay đổi so với Luật tổ chức Viện KSND năm 2002. Chẳng hạn như: Tại tiểu mục 2.3., mục 2 phần I của Nghị quyết số 05/HĐTP năm 2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành điều 232 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định và đưa ra 1 ví dụ về quyền kháng nghị các quyết định cá biệt cụ thể như sau:
“2.3 Trường hợp kháng nghị đối với các quyết định khác, thì Toà án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan quy định về thẩm quyền và thủ tục kháng nghị, giải quyết kháng nghị cụ thể đó để giải quyết.
Ví dụ: Viện kiểm sát cùng cấp căn cứ vào Điều 232 và Điều 239 của BLTTHS, khoản 6 Điều 27 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị Lệnh tạm giam của Chánh án Toà án nhân dân huyện Q đối với bị cáo Nguyễn Thị M với lý do bị cáo M đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 88 của BLTTHS. Trong trường hợp này sau khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, Chánh án Toà án nhân dân huyện Q phải xem xét lý do kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp có đúng hay không. Nếu đúng thì căn cứ vào Điều 177 của BLTTHS ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo M, nếu không đúng thì có văn bản trả lời cho Viện kiểm sát biết về việc không chấp nhận kháng nghị, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận kháng nghị.”
Theo quy định tại khoản 6 điều 27 Luật tổ chức Viện KSND năm 2002 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam, Viện KSND có quyền kháng nghị Lệnh tạm giam nói trên của Chánh án Tòa án vì có vi phạm pháp luật trong việc tạm giam. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 24 Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 thì trong hoạt động kiểm sát tạm giữ, tạm giam, Viện KSND chỉ kháng nghị đối với các chủ thể là Trưởng nhà tạm giữ và Giám thị Trại tạm giam, còn các chủ thể là Tòa án, các cơ quan khác thì Viện KSND thực hiện quyền kiến nghị yêu cầu các chủ thể này đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam.
Như vậy, đối với trường hợp Lệnh tạm giam của Chánh án Tòa án nêu tại ví dụ trên có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo quy định của Luật tổ chức Viện KSND năm 2002, Viện KSND có quyền kháng nghị nhưng theo quy định của Luật tổ chức Viện KSND năm 2014, Viện KSND không có quyền kháng nghị nữa mà chỉ có quyền kiến nghị Chánh án Tòa án bãi bỏ Lệnh tạm giam đó.
Tóm lại, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2015, tuy nhiên hiện nay các Luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của Luật tổ chức Viện KSND năm 2014. Mặt khác, Viện KSND tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nhiệm vụ, quyền hạn mới của Viện KSND, do đó chúng ta cần chủ động, tích cực nghiên cứu và linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mới của Viện KSND, vừa đảm bảo đúng quy định của Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 vừa đảm bảo đúng các quy định hiện hành tại các văn bản luật, hướng dẫn luật có liên quan.
Đặng Bá Hưng - Viện KSND huyện Sơn Động