Công tác khám nghiệm trong hoạt động điều tra gồm khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi.
- Về khám nghiệm hiện trường: Là khám địa điểm hay khu vực xảy ra vụ án hình sự mà nơi đó người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Khám nghiệm hiện trường phải chụp ảnh, thu thập đầy đủ những dấu vết để lại như dấu vân chân, vân tay, dấu vết cày xước trên hiện trường. Thu thập vật chứng ở hiện trường như mẫu máu, lông, tóc, dao, gậy… những vật chất phản ánh về vụ án, có giá trị chứng minh tội phạm.
Thông qua công tác khám nghiệm, chúng ta sẽ đặt ra các câu hỏi mang tính phản biện và chứng minh tội phạm có tính khoa học và lôgic. Từ đó có hướng điều tra khám phá vụ án, truy tìm thủ phạm một cách chính xác. Đồng thời làm rõ ý thức chủ quan của người phạm tội (phạm tội do động cơ, mục đích gì).
Ví dụ 1: Chị Nguyễn Thị A bị chết trong nhà riêng, trên cơ thể có nhiều vết thương. Kiểm tra trong nhà không bị xáo trộn, tủ và két bạc không bị cậy khóa, lục soát, trên cơ thể chị A vẫn còn đeo nhẫn, dây chuyền vàng, trong túi vẫn có tiền... Kiểm sát sát viên cần đặt ra câu hỏi tại sao chị A lại bị giết? tại sao kẻ phạm tội không lấy tài sản? có thể chị A bị giết do ghen tuông, thù tức cá nhân... Kiểm sát viên cũng không được bỏ qua khả năng kẻ phạm tội giết chị A nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa kịp chiếm đoạt tài sản thì sợ bị phát hiện nên đã bỏ trốn. Từ đó có hướng điều tra, khoanh vùng điều tra, nhằm vào đối tượng để điều tra có hiệu quả và chính xác.
Ví dụ 2: Trong những vụ án vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, thường hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Để xác định lỗi của các bên khi tham gia giao thông thì Kiểm sát viên khi khám nghiệm hiện trường phải xem xét kỹ những vết cày xước của các phương tiện tham gia giao thông để lại trên mặt đường, những dấu vết va chạm để lại trên phương tiện giao thông gặp tai nạn. Từ đó làm căn cứ đánh giá, tạo điều kiện thuận lợi khi giám định để có căn cứ xác định được lỗi của các bên khi tham gia giao thông.
Công tác khám nghiệm hiện trường phải được coi là một hoạt động điều tra đặc biệt ban đầu, bởi lẽ nếu xảy ra những sai sót trong công tác khám nghiệm hiện trường thì rất khó khắc phục, thậm chí không thể khắc phục được. Theo năm, tháng của thời gian, thiên nhiên tác động những dấu vết sẽ không còn tồn tại, những vật chứng không thu hồi bị bỏ sót sẽ bị mất mát, phân hủy dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn.
- Về khám nghiệm tử thi: Là khám trên cơ thể của người chết để xác định các dấu vết tác động hoặc những hóa chất được đưa vào cơ thể của người chết. Từ đó có căn cứ xác định nguyên nhân và thời gian chết.
Khi kiểm sát việc khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên chú ý yêu cầu Điều tra viên tiến hành lấy mẫu vật như máu, tóc, phủ tạng...để giám định.
Khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi có mối quan hệ chặt chẽ. Kết quả khám nghiệm tử thi sẽ cung cấp nhiều thông tin phục vụ việc điều tra. Thông qua kết quả khám nghiệm hiện trường để so sánh, đối chiếu với dấu vết ở kết quả khám nghiệm tử thi. Phân tích cùng các lời khai nhân chứng sẽ là căn cứ để kết tội một người nào đó một cách chính xác và khách quan.
Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cần yêu cầu Điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ và đúng trình tự, thủ tục quy định. Từ đó làm căn cứ hướng các hoạt động điều tra tiếp theo, góp phần giải quyết các vụ án hình sự đảm bảo đúng quy định của pháp luật/.
Nguyễn Đình Điển-Phòng 10 VKSND tỉnh