.

Thứ hai, 06/05/2024 -04:21 AM

Khi chưa có ý kiến đồng ý bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải, Thẩm phán vẫn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

 | 

Bộ luật tố tụng dân sự quy định hòa giải vừa là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng dân sự, vừa là thủ tục tố tụng mà Tòa án phải có trách nhiệm tiến hành khi giải quyết vụ án dân sự (trừ những trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải). Nguyên tắc, trình tự và thủ tục hòa giải được quy định cụ thể, chi tiết tại Điều 10 và các điều từ Điều 180 đến Điều 188 của Bộ LTTDS. Thực tiễn cho thấy trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại Tòa án cấp sơ thẩm còn có nhiều vi phạm, thiếu sót trong việc chấp hành trình tự thủ tục hòa giải. Dẫn đến việc Tòa án cấp trên phải hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự để giải quyết lại mới bảo đảm quyền lợi cho bên đương sự.  

Vụ thứ nhất: Ngày 02/3/2012, Ngân hàng thương mại Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh B (gọi tắt là Ngân hàng) và chị Nguyễn Thị K (chị K là hộ kinh doanh cá thể) ký Hợp đồng tín dụng số 0032-041-04/HĐTD, Ngân hàng cho chị K vay 500.000.000đ, thời hạn vay 9 tháng, tài sản bảo đảm cho khoản vay theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 04/HĐBĐ ngày 29/02/2012 là nhà hai tầng và 154 m2 đất ở tại thôn T, xã Q mang tên ông Đ, bà C (bố mẹ đẻ chị K).

Ngày 13/12/2012, Ngân hàng và chị K ký tiếp hợp đồng tín dụng số 0045-047-04/HĐTD, Ngân hàng cho chị K vay 420.000.000đ, thời hạn vay là 6 tháng. Khi ký hợp đồng này, giữa Ngân hàng và ông Đ, bà C không ký lại hợp đồng thế chấp tài sản.

Do chị K không trả được nợ theo cam kết tại Hợp đồng tín dụng số 0045-047-04/HĐTD ngày 13/12/2012 (Hợp đồng tín dụng số 0032-041-04/HĐTD đã trả xong nợ) nên Ngân hàng đã khởi kiện và Tòa án thụ lý vụ án.

Ngày 05/12/2013, Tòa án tiến hành hòa giải; bà C vắng mặt; các đương sự khác là Ngân hàng, chị K, ông Đ đều có mặt.

Tại phiên hòa giải, chị K đồng ý trả cho Ngân hàng toàn bộ nợ gốc và nợ lãi tính đến ngày 05/12/2013 là 456.127.362đ. Kế hoạch trả nợ chia làm 3 kỳ và đề nghị Ngân hàng miễn lãi phạt. Ông Đ đồng ý với phương án trả nợ của chị K, ông Đ hứa sẽ hỗ trợ chị K để trả nợ Ngân hàng. Ngân hàng đồng ý với phương án trả nợ của chị K, ông Đ và Tòa án đã lập biên bản hòa giải thành có nội dung: Chị K đồng ý trả cho Ngân hàng toàn bộ nợ gốc và nợ lãi tính đến ngày 05/12/2013 là 456.127.362đ. Thời gian trả nợ lần 1 ngày 25/12/2013=100.000.000đ; lần 2 ngày 20/3/2014=100.000.000đ; lần 3 ngày 30/5/2014 tất toán toàn bộ hợp đồng tín dụng.Biên bản hòa giải thành đã được Tòa án giao hợp lệ cho Ngân hàng, chị K, ông Đ và bà C (bà C do ông Đ nhận thay).

Ngày 13/12/2013, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận nêu trên của các đương sự. Ngoài ra quyết định còn có nội dung trong trường hợp chị K thực hiện kế hoạch trả nợ thì Ngân hàng xem xét giảm lãi phạt; trong trường hợp chị K thực hiện không đúng cam kết đã thỏa thuận thì phải chịu các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật kể cả việc phát mại tài sản thế chấp là nhà 2 tầng và 154m2 đất ở tại thôn T, xã Q mang tên ông Đ, bà C.   

Tháng 11/2014, bà C có đơn khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm vụ án. Lý do bà C đưa ra là: Bà không được ký biên bản hòa giải thành và còn cho rằng, bà chỉ ký hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm khoản tiền vay ban đầu theo Hợp đồng tín dụng số 0032-041-04/HĐTD ngày 02/03/2012, không bảo đảm cho khoản chị K vay sau nên bà không đồng ý xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Tháng 4/2015, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh B ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định sơ thẩm nêu trên với lý do: Tại phiên hòa giải ngày 05/12/2013 bà C vắng mặt; ông Đ nhận đại diện bà C tham gia hòa giải nhưng không có thủ tục ủy quyền bằng văn bản của bà C cho ông Đ; Tòa án đã giao biên bản hòa giải thành cho bà C (ông Đ nhận thay), song bà C chưa có ý kiến đồng ý bằng văn bản đối với nội dung Ngân hàng, chị K, ông Đ thỏa thuận thành tại phiên hòa giải ngày 05/12/2013, nhưng Thẩm phán Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là thực hiện không đúng qui định tại Điều 142 Bộ luật dân sự và Điều 73, khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tháng 5/2015, Tòa án tỉnh B đã có quyết định giám đốc thẩm hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Vụ thứ hai: Từ năm 2010 đến năm 2011Ngân hàng thương mại Á Châu (gọi tắt là Ngân hàng) và anh Nguyễn Văn A, chị Trần Thị B (hộ kinh doanh cá thể) đã ký 8 hợp đồng tín dụng trung - dài hạn, hợp đồng tín dụng hạn mức và hợp đồng hạn mức thấu chi. Tổng cộng Ngân hàng đã cho anh A, chị B vay 25.513.750.000đ. Các hợp đồng tín dụng được bảo đảm theo các hợp đồng thế chấp tài sản là 13 bất động sản thuộc quyền sử dụng của vợ chồng anh A, chị B và của 10 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Lịch, ông Nghĩa (là vợ chồng); ông Quảng, bà Thoi (là vợ chồng); ông Tình, bà Tám (là vợ chồng); ông Chiến, bà Toàn (là vợ chồng); ông Long, bà Hà (là vợ chồng). Tổng trị giá tài sản thế chấp là 34.985.000.000đ.

Do anh A, chị B không trả được nợ theo cam kết, nên tháng 7/2014 Ngân hàng đã khởi kiện và Tòa án thụ lý vụ án.

Ngày 23/7/2014, khi Tòa án tiến hành hòa giải ông Quảng, bà Thơi, anh Long vắng mặt.Tại phiên hòa giải, đại diện Ngân hàng đề nghị anh A và chị B phải có trách nhiệm thanh toán trả Ngân hàng 24.537.548.000đ nợ gốc và 13.854.291.854đ nợ lãi và tiền lãi phát sinh đến khi trả hết nợ. Thời hạn thanh toán số tiền trên kể từ ngày 23/7/2014 đến hết ngày 31/12/2014 dương lịch. Nếu trong thời hạn trên anh A, chị B không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì tài sản bảo đảm sẽ được Ngân hàng bán theo qui định của pháp luật hoặc có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mại 13 bất động sản đã thế chấp để thu hồi nợ. Anh A và chị B đồng ý với yêu cầu của Ngân hàng. Sau đó Tòa án lập biên bản hòa giải thành ghi nội dung thỏa thuận giữa nguyên đơn và bị đơn nêu trên. Ngày 01/8/2014, Tòa án lập văn bản “Thông báo kết quả hòa giải thành” cho ông Quảng, bà Thơi. Ông Quảng và bà Thơi ký văn bản, đồng ý với kết quả hòa giải thành ngày 23/7/2014.

Ngày 11/8/2014, Thẩm phán ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa Ngân hàng với anh A, chị B và 10 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Khi giải quyết vụ án nêu trên, Tòa án đã có những vi phạm: Biên bản hòa giải ngày 23/7/2014 Tòa án không ghi ý kiến của 7 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia hòa giải về việc giải quyết vụ án (vi phạm điểm d khoản 1 Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự). Tại phiên hòa giải ông Long (chồng bà) Hà vắng mặt; ông Long đã  nhận được biên bản hòa giải thành, nhưng việc thỏa thuận trên có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của ông Long; và ông Long chưa có ý kiến đồng ý bằng văn bản về việc các đương sự thỏa thuận tại phiên hòa giải ngày 23/7/2014. Do vậy, việc Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là không đúng với qui định tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự./.

Nguyễn Thị Huệ- Phòng 12

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,841,214
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.138.175.180

    Thư viện ảnh