.

Thứ hai, 06/05/2024 -14:10 PM

Trao đổi bài viết “Trần Văn T phạm tội gì ”

 | 

Qua nghiên cứu bài viết “Trần Văn T phạm tội gì” của tác giả Vi Đức Ninh- Viện KSND huyện Lục Ngạn đăng trên Trang tin điện tử Viện KSND tỉnh Bắc Giang ngày 20/5/2015, chúng tôi có ý kiến trao đổi như sau:

>>>Trần Văn T phạm tội gì?

Nội dung vụ án: Khoảng 13 giờ ngày 10/5/2014, Trần Văn T đi xe máy đến cửa hàng của chị Nguyễn Thị H mục đích để mua điện thoại di động. T dựng xe ở ngoài rồi vào trong gặp chị H hỏi mua điện thoại di động Samsung. Chị H nói giá 3.500.000 đồng. T bảo chị H cho mượn điện thoại để gọi cho người quen hỏi vay thêm tiền nhưng không liên lạc được nên trả lại điện thoại. Sau đó T bảo chị H cho mượn sim để lắp vào điện thoại Samsung để thử máy. Lúc này có 02 người khách đến cửa hàng hỏi mua điện thoại. Chị H quay sang nói chuyện với những người khách này. Thấy chị H sơ hở, T nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại của chị H nên cầm điện thoại đưa lên tai giả vờ gọi điện rồi đi ra ngoài lấy xe mô tô phóng đi. T đã bán chiếc điện thoại trên được 2.800.000 đồng và chi tiêu cá nhân hết.

Quan điểm thứ nhất: T phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Tác giả bài viết đồng ý với quan điểm này.

Quan điểm thứ hai: T phạm tội “Cướp giật tài sản”.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, tức là T phạm tội “Cướp giật tài sản” vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, về tội “Cướp giật tài sản”: Điều 136 Bộ luật hình sự không mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội phạm, nhưng căn cứ vào khái niệm, các yếu tố cấu thành và qua lý luận cũng như thực tiễn xét xử thì cướp giật tài sản được hiểu là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai rồi nhanh chóng tẩu thoát. Việc thực hiện hành vi phạm tội diễn ra trong một thời gian rất nhanh với mong muốn chiếm đoạt được tài sản ngay tức khắc, tạo nên yếu tố bất ngờ đối với người quản lý tài sản, khiến họ không kịp trở tay và thoát khỏi chủ sở hữu càng nhanh càng tốt.

Với nội dung vụ án như trên, T hoàn toàn công khai hành vi của mình với chủ sở hữu và những người xung quanh. Ý thức chiếm đoạt của T diễn ra rất nhanh và liền ngay sau đó T đã thực hiện hành vi của mình với thủ đoạn nêu trên.

Thứ hai, về tội “Trộm cắp tài sản”: Điều 138 Bộ luật hình sự cũng không mô tả hành vi trộm cắp tài sản được thực hiện như thế nào. Nhưng có thể hiểu, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút (bí mật) chiếm đoạt tài sản của người khác. Lén lút (bí mật) đối lập với công khai, trắng trợn. Chúng tôi cho rằng, T không phạm tội trộm cắp tài sản vì T đã nhận được tài sản một cách “ngay tình”, khi đưa chiếc điện thoại cho T thì quyền quản lý tài sản của chị H đã bị hạn chế một phần; việc T lợi dụng lúc chị H không để ý chỉ là cơ hội mà T cho rằng chị H khó có thể đuổi theo khi T chiếm đoạt tài sản và bỏ chạy.

Trên đây là quan điểm của cá nhân trao đổi về bài viết “Trần Văn T phạm tội gì?” của tác giả Vi Đức Ninh- Viện KSND huyện Lục Ngạn. Chúng tôi rất mong nhận được sự phản hồi, trao đổi của các đồng nghiệp./

Đồng Thị Toàn- VKS huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,844,168
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.139.238.76

    Thư viện ảnh