ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -09:56 AM

Vướng mắc về việc xác định thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm

 | 

Việc phân loại, xác định đúng thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm ngay từ đầu có ý nghĩa rất quan trọng, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.

Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 Hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã hướng dẫn: “Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của các cơ quan được xác định theo thẩm quyền điều tra”. Như vậy, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định thẩm quyền điều tra đối với các vụ việc cụ thể vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc do nhận thức dẫn đến việc chậm điều tra, xác minh nội dung tố giác tội phạm. Tác giả xin nêu một ví dụ cụ thể để trao đổi cùng đồng nghiệp.

Tóm tắt nội dung vụ việc: Năm 2008, Công ty trách nhiệm hữu hạn  BG có trụ sở tại huyện L tuyển dụng Nguyễn Văn A có hộ khẩu thường trú ở huyện Y làm nhân viên hợp đồng của Công ty. Sau khi được tuyển dụng, A được công ty cử làm Đội trưởng đội trồng rừng, trực tiếp chỉ đạo sản xuất tại khu rừng của Công ty nằm trên địa phận huyện Y. Việc ký hợp đồng lao động giữa A và Công ty BG được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 01/4/2015, Giám đốc Công ty BG có đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra huyện L đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về các hành vi sau:

- Chiếm đoạt tiền tạm ứng trồng rừng là 227.745.000 đồng;

- Chiếm đoạt tiền thu bán sản phẩm rừng tại huyện Y là 192.000.000 đồng;

Theo nội dung đơn thì toàn bộ số tiền tạm ứng để trồng rừng do A trực tiếp nhận tại Văn phòng của Công ty nhưng không thực hiện việc trồng rừng, còn các tài sản khác đều bị A chiếm đoạt tại khu rừng do A được giao phụ trách. Công ty đã nhiều lần yêu cầu A hoàn trả lại tài sản đã chiếm đoạt nhưng A không thực hiện và đã tự ý bỏ việc, chấm dứt hợp đồng lao động.

Với nội dung vụ việc như trên, hiện có hai quan điểm khác nhau về việc xác định thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm nêu trên, cụ thể là:

Quan điểm thứ nhất: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2013 thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện L. Vì A là nhân viên của Công ty có trụ sở tại huyện L; những lần A làm thủ tục tạm ứng tiền trồng rừng đều ở trụ sở Công ty. Sau khi nhận tiền xong, A không tổ chức trồng rừng mà tự ý sử dụng cá nhân. Do vậy, địa điểm phạm tội của A là ở huyện L.   

Quan điểm thứ hai: Đơn tố giác về tội phạm nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y. Bởi lẽ: Cũng theo quy định tại Khoản 4 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2013, trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Như vậy, trong trường hợp nêu trên, việc A nhận tiền tại trụ sở Công ty là hoàn toàn hợp pháp, không có căn cứ để xác định khi nhận tiền xong A đã có ý định chiếm đoạt ngay số tiền đã nhận. Hiện nay A đang có hộ khẩu thường trú tại huyện Y. Ngoài ra, A còn bị tố cáo có  hành vi chiếm đoạt khác xảy ra trên địa bàn huyện Y.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi và có ý kiến phản hồi để thống nhất nhận thức khi áp dụng pháp luật./.

Hoàng Văn Đĩnh- VKS huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,810,262
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.138.174.45

    Thư viện ảnh