.

Thứ hai, 06/05/2024 -10:00 AM

Trao đổi bài viết: “Xử lý như thế nào đối với tài sản tạm giữ để đảm bảo thi hành án?”

 | 

Sau khi đọc bài “Xử lý như thế nào đối với tài sản tạm giữ để đảm bảo thi hành án?” của tác giả Nguyễn Thị Thủy, tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

>>> Xử lý như thế nào đối với tài sản tạm giữ để đảm bảo thi hành án?

Tóm tắt nội dung: Phạm Văn B, sinh năm 1990 bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự. Bản án số 59/2014/HSST ngày 26/8/2014 của Tòa án nhân dân huyện Y tuyên: Xử phạt Phạm Văn B 01 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; cấm hành nghề lái xe trong thời hạn một năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Về phần dân sự: Trả lại cho bị cáo Phạm Văn B 01 Giấy phép lái xe ô tô nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án; 200.000đ án phí HSST.

Tôi nhất trí với quan điểm thứ hai của tác giả. Bởi lẽ:

Thứ nhất, hình phạt “Cấm hành nghề lái xe trong thời hạn một năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù” là hình phạt bổ sung đối với Phạm Văn B  được quy định tại khoản 2 Điều 28 Bộ luật hình sự. Do đó, việc thi hành hình phạt bổ sung này đối với Phạm Văn B được quy định tại Điều 107 Luật thi hành án hình sự, thủ trục thi hành thuộc trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (khoản 5 Điều 107 Luật thi hành án hình sự) chứ không thuộc trách nhiệm phải thi hành của Chi cục thi hành án dân sự huyện Y. Vì vậy, nếu theo quan điểm thứ nhất, phải sau một năm khi B chấp hành xong hình phạt tù, Chi cục thi hành án dân sự mới trả cho B giấy phép lái xe ôtô là không có cơ sở.

Thứ hai, Bản án áp dụng khoản 2 Điều 76, Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên: Trả lại cho bị cáo Phạm Văn B 01 Giấy phép lái xe ô tô nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án; 200.000đ án phí HSST. Mục đích của việc tạm giữ Giấy phép lái xe của B là để đảm bảo thi hành khoản án phí 200.000đ mà B phải chịu chứ không phải để đảm bảo thi hành hình phạt bổ sung. Do vậy, nếu B chưa thi hành phần án phí theo bản án đã tuyên thì Chấp hành viên hoàn toàn có quyền tạm giữ Giấy phép lái xe của B vì đây là biện pháp để bảo đảm thi hành án. Do đó, việc Chấp hành viên lập biên bản trả 01 Giấy phép lái xe cho Phạm Văn B, sau đó nhập lại kho vật chứng của Chi cục thi hành án dân sự để tạm giữ đảm bảo thi hành án khi Phạm Văn B đã thi hành xong 200.000đ tiền án phí HSST là không đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật thi hành án dân sự đó là Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời khoản 1 Điều 126 Luật thi hành án dân   sựquy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự”. Như vậy, việc Chấp hành viên đã lập biên bản trả Giấy phép lái xe cho B nhưng lại tiến hành nhập kho với lý do “để đảm bảo thi hành án’ là thực hiện vượt quá thẩm quyền, không bảo đảm được quyền lợi của người được thi hành án.

Trên đây là quan điểm trao đổi qua Bài viết “Xử lý như thế nào đối với tài sản tạm giữ để đảm bảo thi hành án” đăng trên Trang tin điện tử của Ngành.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc./.

Đặng Minh Hà – VKSND huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,842,634
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.129.249.105

    Thư viện ảnh