.

Thứ ba, 30/04/2024 -00:27 AM

Trao đổi bài viết: “Vướng mắc trong việc xác định hành vi của một số đối tượng trong một vụ án đánh bạc”.

 | 

Sau khi đọc bài viết Vướng mắc trong việc xác định hành vi của một số đối tượng trong một vụ án đánh bạc của tác giả Phùng Anh Tuấn đăng trên trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 03/3/2015. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất mà tác giả đã nêu bởi các lẽ sau:

>>>Vướng mắc trong việc xác định hành vi của một số đối tượng trong một vụ án đánh bạc

Thứ nhất: P, D và Đ đều cố ý thực hiện hành vi đánh bạc, mặc dù họ đã bỏ về khi lượng tiền trong bàn bạc chưa đủ để xử lý hình sự nhưng việc đánh bạc của tất cả các đối tượng trên liên tục nên không thể tách từng thời điểm ra để xử lý từng đối tượng. Vì vậy tất cả các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền thu giữ trong quá trình bắt quả tang.

Thứ hai: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ- HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự thì tiền hoặc hiện vật được xác định dùng vào việc đánh bạc là tổng số tiền hoặc hiện vật mà các đối tượng đánh bạc tham gia. Mặt khác, tại khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết quy định trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này. Như vậy thì các đối tượng đánh bạc đều là đồng phạm của nhau đối với tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc.

Giả sử, trường hợp số tiền thu giữ khi bắt quả tang các đối tượng xác định dùng vào việc đánh bạc là 2.000.000 đồng thì trong số tiền này đã bao gồm cả tiền của P, D, Đ. Nếu không khởi tố P, D, Đ thì các đối tượng khác cũng không bị khởi tố vì N, Q, P không tham gia đánh bạc với D; S và Q lần 2 không tham gia đánh bạc cùng với P; V không tham gia đánh bạc cùng với Đ nên không thể buộc Q, S, M, N, T, V cùng chịu trách nhiệm về tổng số tiền dùng đánh bạc với P, D, Đ. Mặt khác, khoản 1 Điều 248 BLHS chỉ quy định “Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng” mà không có sự phân hóa trách nhiệm hình sự của những người tham gia đánh bạc. Theo tôi, hành vi của những đối tượng đánh bạc không đủ yếu tố định lượng (theo cách xác định của Nghị quyết số 01/2010) cần xác định là hành vi phạm tội, vì tiền hoặc hiện vật dùng để truy tố đối tượng đánh bạc khác bao gồm cả số tiền, hiện vật mà đối tượng đánh bạc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong đó.

Tôi mong nhận được ý kiến tham gia đóng góp của các đồng nghiệp.

Nguyễn Thị Nghĩa- VKS huyện Tân Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,797,731
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.58.121.131

    Thư viện ảnh