Sau khi đọc bài “Tòa án tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước có đúng không” của tác giả Nguyễn Văn Quý - Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đăng ngày 19/3/2015; tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:
>>> Tòa án tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước có đúng không ?
Tóm tắt lại nội dung vụ án mà tác giả đã nêu: Ngày 12/08/2014, Nguyễn Văn A trộm cắp 01 con gà nặng khoảng 4 kg của gia đình anh M sau đó bán cho chị Nguyễn Thị T được 450.000 đồng. A không nói cho chị T biết đây là tài sản do trộm cắp mà có. Tại phiên tòa sơ thẩm, chị T có quan điểm không yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền 450.000 đồng mà chị đã bỏ ra mua gà. Bản án đã tuyên buộc bị cáo A phải nộp lại 450.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.
Theo tôi trước hết, cần xác định thế nào là vật chứng và số tiền 450.000 đồng mà chị T bỏ ra mua gà có phải là vật chứng hay không. Theo Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.
Trong vụ án này con gà được xác định là vật chứng và đã được trả lại cho chủ sở hữu; số tiền 450.000 đồng bị cáo có là do bán con gà trộm cắp và đã ăn tiêu hết. Theo khái niệm vật chứng được quy định tại Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự số tiền 450.000 đồng không thu được thì không xác định là vật chứng.
Thứ hai, xem xét việc bản án tuyên buộc bị cáo phải nộp lại 450.000 đồng để sung công quỹ Nhà nước là đúng hay sai?
Khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự quy định “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.
Trong trường hợp này, anh M nhận lại tài sản bị trộm cắp, bị cáo A cũng không phải bồi thường anh A được coi là đúng pháp luật. Nhưng phải xem xét đến hành vi chị T mua gà của A thế nào?
Chị T mua gà của A là ngay thẳng nhưng không hợp pháp bởi không được A nói cho biết là tài sản do A phạm tội mà có, bản thân A khi bán gà cho chị T đã có ý thức lừa dối nên chị T tin tưởng nên đã mua.
Vậy việc mua bán giữa A và chị T là quan hệ dân sự được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối theo Điều 132 Bộ luật dân sự.
Điều 132 Bộ luật dân sự quy định: “Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên… làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Điều 137 Bộ luật dân sự quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…”
Tại phiên tòa, chị T thấy A có hoàn cảnh khó khăn nên không yêu cầu A phải hoàn trả số tiền 450.000 đồng là quyền tự nguyện trong quan hệ dân sự được quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự.
Từ những phân tích trên, tôi thấy việc Tòa án tuyên buộc bị cáo A phải nộp lại số tiền 450.000 đồng là không đúng. Bản án này có thể được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để khắc phục vi phạm, thiếu sót nêu trên.
Nguyễn Đình Điển