ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 25/11/2024 -03:05 AM

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá công chức trong ngành Kiểm sát Bắc Giang.

 | 

Nhận xét, đánh giá công chức là khâu công tác quan trọng đầu tiên của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ; giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ.

Trong thời gian qua, công tác nhận xét đánh giá công chức luôn được Ban cán sự đảng và lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bắc Giang quan tâm, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành; đa số các đơn vị trong ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác nhận xét, đánh giá công chức trong đơn vị theo đúng quy định; việc đánh giá đảm bảo chính xác, khách quan, đúng quy trình; từ đó đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm của ngành....

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cụ thể là: thời gian qua, mặc dù Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bắc Giang hàng năm đều quan tâm, hướng dẫn, quán triệt đến các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá công chức, nhưng qua kiểm tra bản tự nhận xét, đánh giá của các đơn vị thấy còn một số đơn vị thực hiện công tác này chưa được tốt, chưa sâu sát, nội dung một số bản tự nhận xét, đánh giá còn sơ sài: ví dụ như trong phần nhận xét đánh giá thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, yêu cầu là phải nêu rõ kết quả, khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, nhưng một số đồng chí chỉ nêu chung chung, không rõ ràng cụ thể, nhưng lãnh đạo đơn vị không yêu cầu làm lại mà vẫn cứ nhận xét là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...., dẫn đến khó khăn cho tập thể Ban cán sự đảng và lãnh đạo Viện KSND tỉnh trong việc nhận xét, đánh giá phân loại công chức; theo quy định về nhận xét đánh giá cuối năm thì tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong một đơn vị là không quá 20%, nhưng có đơn vị nhận xét, đánh giá vượt mức trên 20%; có đơn vị nhận xét đánh giá công chức là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng lại không đề nghị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, người chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thì lại đề nghị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, như vậy là không hợp lý….

Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2015

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá công chức... từ đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm... theo tác giả, thủ trưởng trực tiếp quản lý, sử dụng công chức cần thực hiện nghiêm túc một số giải pháp sau:
Một là, nhận thức rõ việc nhận xét, đánh giá công chức phải căn cứ vào hệ thống tiêu chuẩn chức danh để nhận xét, đánh giá. Nhận xét, đánh giá phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển của cán bộ; phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, có tính lịch sử cụ thể; phải dựa trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai, minh bạch đối với người được đánh giá, tránh lệch lạc, thành kiến cá nhân, tư tưởng bè phái trong đánh giá cán bộ. Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ.

Hai là, việc nhận xét, đánh giá phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định về công tác đánh giá công chức. Nội dung đánh giá công chức cần phải căn cứ vào những quy định của Luật Cán bộ, công chức; Quy chế đánh giá cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 02/02/2010 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Viện KSND tối cao, cụ thể:

+ Đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Xem xét về nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối và quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức và lối sống; tinh thần chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực; tinh thần đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình; quan hệ trong công tác; tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân; tinh thần học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật.

+ Đánh giá về mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: Thể hiện ở khối lượng, chất lượng, các chỉ tiêu nghiệp vụ, tiến độ, hiệu quả của công việc trong từng vị trí, từng thời gian; tinh thần trách nhiệm trong công tác. Trong bản nhận xét đánh giá cần nêu rõ ràng, đầy đủ khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc được giao trong thời điểm nhận xét, đánh giá của công chức đó (Ví dụ một Kiểm sát viên làm án hình sự, trong bản tự nhận xét cần phải thể hiện rõ là thụ lý KSĐT, thụ lý án truy tố, thụ lý án xét xử sơ thẩm bao nhiêu vụ.... Kết quả thực hiện nhiệm vụ đó là như thế nào, ví dụ: Đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử, đình chỉ, tạm đình chỉ bao nhiêu vụ; án hoàn, án hủy, án trả hồ sơ điều tra bổ sung,... như thế nào, có lỗi hay không có lỗi của người làm… ). Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài việc phải nêu rõ kết quả hoạt động của đơn vị, bộ phận do mình phụ trách cần đánh giá về tư duy chính trị, tư duy khoa học; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ, vận dụng, tổ chức, kiểm tra, tổng kết thực tiễn; khả năng phân công, bố trí, quản lý; trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

+ Đánh giá về chiều hướng và triển vọng phát triển: Căn cứ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của công chức; hiệu quả hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; khả năng xử lý tình huống và đưa ra những biện pháp sáng tạo trong công việc; sự năng động, dám chịu trách nhiệm, có phương pháp nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo; tích cực tham gia các phong trào của đơn vị, địa phương phát động... từ đó đưa ra chiều hướng và triển vọng phát triển của công chức...

Thứ 3, việc nhận xét, đánh giá công chức phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Nhận xét, đánh giá cần phải đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công bằng, khi đánh giá phải trên quan điểm nhìn nhận thực chất công việc của công chức đã thực hiện; không dựa vào ý chí chủ quan, cảm tính, tình cảm riêng của người đánh giá.

- Phải nắm vững và dựa vào tiêu chuẩn của từng chức danh và chức trách, nhiệm vụ đã đựơc phân công.

- Phải thực sự lấy hiệu quả công tác thực tế của công chức làm thước đo hàng đầu để nhận xét, đánh giá về phẩm chất và năng lực.

- Kết hợp tốt giữa tự nhận xét, đánh giá với ý kiến, nhận xét của các đồng nghiệp trong đơn vị, cơ quan quản lý cấp trên, kể cả với các cơ quan có sự phối hợp trong công tác và địa phương nơi cư trú, để việc đánh giá được đầy đủ, chính xác và toàn diện.

Kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại phải thông báo công khai cho công chức biết. Công chức có quyền trình bày ý kiến, bảo lưu và báo cáo bằng văn bản lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên những vấn đề không tán thành về nhận xét, đánh giá đối với bản thân mình trước khi có kết luận chính thức của lãnh đạo cấp trên nhưng phải chấp hành kết luận nhận xét, đánh giá, phân loại của cấp có thẩm quyền.

Nhận xét, đánh giá đúng năng lực, trình độ của công chức không những có tác dụng trong trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Một mặt, phát hiện những mặt mạnh để phát huy, có giải pháp khắc phục những hạn chế, và đặc biệt để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức một cách hợp lý, có hiệu quả, từ đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chính trị của ngành.

Trần Ngọc Nam - Phòng TCCB Viện KSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,447,076
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.219.25.226

    Thư viện ảnh