Sau khi đọc bài viết “Tòa án tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước có đúng không?” của tác giả Nguyễn Văn Quý được đăng trên trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 19/3/2015. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất mà tác giả đã nêu. Theo đó việc Tòa án áp dụng điểm c Khoản 2 Điều 76 BLTTHS buộc bị cáo nộp lại số tiền 450.000 đồng là không có căn cứ. Bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 74, 75 BLTTHS thì “vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”, vật chứng phải được thu thập và bảo quản theo quy định. Trong giai đoạn điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không thu giữ số tiền 450.000 đồng thì Tòa án không thể coi số tiền đó là vật chứng của vụ án.
Thứ hai, trường hợp Tòa án không áp dụng Điều 76 BLTTHS mà áp dụng điểm b Khoản 1 Điều 41 BLTTHS buộc bị cáo nộp lại số tiền 450.000 đồng thì cũng không có căn cứ. Bởi lẽ theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 BLHS thì “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Theo quy định này thì khi bị thiệt hại, quyền yêu cầu “trả lại” tài sản của chủ sở hữu được ưu tiên trước hết. Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định chuyển tiếp trong trường hợp người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan từ bỏ quyền yêu cầu thì Tòa án có quyền tuyên buộc bị cáo nộp lại khoản tiền do phạm tội mà có để sung quỹ Nhà nước.
Mặt khác theo quy định của pháp luật thì việc người bị hại hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại luôn được xác định là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
- Theo quy định tại Điều 28 BLTTHS thì “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự”.
- Theo quy định tại tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Nghị quyết số 03/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì “Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Trường hợp người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không yêu cầu bị cáo bồi thường, trả lại tài sản phạm tội mà có thì cần được hiểu là họ “cho” bị cáo và điều đó không trái pháp luật nên cần được chấp nhận.
Như vậy nếu người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường thì Tòa án không buộc bị cáo phải nộp lại khoản tiền phạm tội mà có để sung quỹ nhà nước.
Xin được trao đổi và mong nhận được ý kiến tham gia đóng góp của các đồng nghiệp.
Nguyễn Văn Đông-VKS thành phố Bắc Giang