Sau khi nghiên cứu nội dung bài viết“Vướng mắc trong giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế”, của tác giả Nguyễn Thế Lượng đăng ngày 25/11/2014 trên Trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Gang và bài trao đổi bài viết (đăng ngày 18/12/2014) của bạn Hoàng Minh Đức, tôi có quan điểm khác với các quan điểm nêu trong hai bài viết này, xin nêu để các đồng nghiệp tiếp tục trao đổi.
>>>Trao đổi vướng mắc trong giải quyết vụ án Tranh chấp di sản thừa kế
>>>Phản hồi bài viết: "Vướng mắc trong giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế”.
Thứ nhất, do cụ Vũ Duy P chung sống với cụ Thân Thị Q từ năm 1944, trước khi có Luật hôn nhân và gia đình (Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực thi hành từ ngày 03/01/1987) nên theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội “Về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình” và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 thì hôn nhân của cụ P và cụ Q là hôn nhân thực tế, nên được pháp luật thừa nhận là vợ chồng (cụ P mất năm 1989, mất trước khi có Nghị quyết số 35/2000/QH 10).
Thứ hai, năm 1979, cụ Q được địa phương cấp cho 1 mảnh đất sát tỉnh lộ đường 295B, cụ đã làm nhà để ở. Đến năm 1980 vợ chồng chị C (con riêng của cụ P với cụ L) ra ở cùng cụ Q. Như vậy, mặc dù cụ P không ở cùng nhà với cụ Q, nhưng có căn cứ xác định mảnh đất này (hiện đang tranh chấp) là tài sản tạo lập được sau khi cụ Q và cụ P kết hôn (không phải là tài sản cụ Q được tặng cho riêng) và thửa đất này cụ Q được cấp trước khi vợ chồng chị C về sống chung với cụ Q. Do đó, quyền sử dụng 210 m2 đất ở không phải là tài sản chung của hộ gia đình (gồm cụ Q, vợ chồng chị C và các con chị C), vì: Không được cấp cùng hoặc sau thời điểm gia đình chị C về sống chung với cụ Q. Do vậy, thửa đất này phải xác định là tài sản chung của cụ P và cụ Q khi còn sống.
Năm 1998, chị C đi đăng ký kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tự ghi tên mình ( hồ sơ cấp giấy CNQSD đất không có giấy tặng cho hoặc ủy quyền của cụ Q cho chị C; chị C khai, cụ Q nói cho vợ chồng chị nhưng không có tài liệu chứng minh…) và UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ chị C là không đúng qui định của Pháp luật (Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 và Điều 118 Bộ luật dân sự năm 1995, nay là Điều 106). Chính vì lẽ đó mới có việc năm 2003, khi cụ Q còn sống cụ Q đã cho anh K (con trai anh A) làm nhà trên thửa đất số 675 để ở.
- Tại mục 1.1 Phần I Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục địa chính hướng dẫn thủ tục kê khai đăng ký đất đai tại thời điểm đó có nêu:
+ “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc các diện:
1. Được Nhà nước Việt Nam giao đất, cho thuê đất;
2. Đang sử dụng đất vào các mục đích…”.
+ Mục 1.2 nêu:“Người chịu trách nhiệm kê khai, đăng ký đất đai bao gồm:
1. Chủ hộ hoặc người được chủ hộ ủy quyền thay mặt hộ gia đình;
2. Cá nhân hoặc người ủy quyền hợp pháp…”
+ Mục IV. Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục địa chính hướng dẫn thẩm quyền xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu:“IV.1. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xét để xác định quyền sử dụng đất hợp pháp của từng chủ sử dụng đất trên từng thửa đất khi đăng ký ban đầu. Nội dung xét cụ thể là: Xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng, những biến động phát sinh trong quá trình sử dụng…”
- Điều 118 Bộ luật dân sự năm 1995 qui định: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ. Quyền sử dụng đất hợp pháp của hộ gia đình cũng là tài sản chung của hộ”
Thứ ba, tài sản trên cũng không phải là tài sản riêng của cụ Q, vì:
Tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình có qui định: “Tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng…”.
Với việc phân tích trên, nên tôi không đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả Nguyễn Văn Lượng và bạn Hoàng Minh Đức. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ chị C. Khi giải quyết phân chia di sản thừa kế phải trích trả vợ chồng chị C một phần công sức đóng góp trong việc duy trì, tôn tạo, bảo quản di sản, sau đó chia di sản thừa kế theo pháp luật mới đảm bảo quyền lợi cho bà M, chị C trong vụ án.
Rất mong các đồng nghiệp tiếp tục trao đổi về đường lối giải quyết vụ án trên./.
Nguyễn Thị Huệ - Phòng 12, Viện KSND tỉnh Bắc Giang