ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 25/11/2024 -00:40 AM

Những khó khăn, vướng mắc khi thi hành xử lý vật chứng của các vụ án hình sự.

 | 

Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.

Khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”.

Thực tế hiện nay, trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, Cơ quan điều tra thu giữ cả những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng như: Điện thoại di động, ví da, chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe…nhưng không xử lý trả lại cho bị can. Khi vụ án được chuyển sang Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát làm thủ tục xuất kho vật chứng để chuyển những đồ vật, tài sản này nhập kho vật chứng của cơ quan thi hành án và chuyển hồ sơ sang Tòa án để xét xử.

Quá trình giải quyết vụ án do bị kéo dài nên những chiếc điện thoại đã bị hư hỏng, những chiếc ví ẩm mốc hư hỏng không còn giá trị sử dụng. Theo quyết định của bản án tuyên: Trả lại cho bị cáo chiếc điện thoại, chiếc ví…nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Từ thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, chúng tôi thấy cơ quan Thi hành án dân sự gặp phải những khó khăn, vướng mắc như sau:

- Chấp hành viên phải đi xác minh nơi mà bị cáo đang chấp hành án để làm thủ tục thi hành án dân sự.

- Khi lập biên bản thì đương sự trả lời những tài sản đã thu giữ như điện thoại di động đã cũ hỏng, ví da không còn giá trị nữa nên tùy cơ quan thi hành án xử lý.

- Hoàn cảnh của một số phạm nhân nghèo đang cải tạo lao động không có tiền để nộp tiền án phí, tiền phạt trong khi đó bản án tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án cho nên chấp hành viên không biết xử lý tài sản ra sao.

- Tài sản đó lại không được đưa vào dạng tiêu hủy theo quy định tại Điều 125 Luật thi hành án dân sự. Vì nếu tiêu hủy thì đương sự có thể sẽ khiếu kiện và cũng không đúng với bản án đã tuyên.

- Trường hợp những loại giấy tờ như bằng lái xe, chứng minh thư nhân dân đưa vào hồ sơ vụ án được đánh số bút lục. Bản án sơ thẩm tuyên trả lại bị cáo các loại giấy tờ đó nhưng lại không lấy ra khỏi hồ sơ nên khi Tòa án cấp phúc thẩm xét xử xong thì hồ sơ được lưu trữ tại Tòa án phúc thẩm, giai đoạn thi hành án chỉ có bản án mà không nhận được những giấy tờ trên. Do vậy cơ quan thi hành án không có những giấy tờ đó để trả cho đương sự khiến vụ việc thi hành án bị tồn đọng kéo dài.

- Nhiều vật chứng tồn đọng nhiều năm trong kho vật chứng của Cơ quan Thi hành án dân sự, những vật chứng này đều có lệnh xuất kho vật chứng của Viện kiểm sát nhưng không có bản án, quyết định của Tòa án,...vì vậy Cơ quan thi hành án dân sự không biết xử lý số vật chứng trên như thế nào.

Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự, chúng tôi đề nghị:

- Nếu Cơ quan điều tra thu giữ tài sản có giá trị thấp của bị can mà trong quá trình điều tra làm rõ không phải là vật chứng liên quan đến vụ án thì cần trả lại bị can ngay từ giai đoạn điều tra.

- Đối với các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, chứng minh thư nhân dân...nên trả lại ngay cho bị can. Nếu cần thiết thì phô tô bản phô tô để lưu trong hồ sơ rồi đánh số bút lục không nên lưu hồ sơ bản chính.

- Trường hợp Viện kiểm sát đã có lệnh xuất kho vật chứng và đã được bàn giao tại kho của cơ quan thi hành án dân sự mà Tòa án trả hồ sơ sau đó Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ thì Viện kiểm sát cần thông báo cho cơ quan thi hành án biết để xử lý vật chứng đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

 

                                                                         Nguyễn Đình Điển

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,445,945
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.82.252

    Thư viện ảnh