Trong những năm gần đây các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn đề cao công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, hạn chế tới mức thấp nhất việc xảy ra án hình sự có người bị hại là người chưa thành niên. Tuy nhiên thực tế áp dụng pháp luật về các vụ án hình sự có người bị hại là người chưa thành niên còn có những khó khăn, vướng mắc cần có văn bản hướng dẫn để áp dụng pháp luật thống nhất.
1. Những khó khăn, vướng mắc.
Đối với các tội xâm phạm đến trẻ em, việc xác định ngày, tháng, sinh của người bị hại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội danh, định khung hình phạt và quyết định hình phạt. Khi xác định tuổi của người bị hại thì dựa vào các giấy tờ như giấy khai sinh, sổ hộ tịch, hộ khẩu... hoặc điều tra những người xung quanh, hoặc tại cơ sở y tế nơi sinh ... để tính độ tuổi. Nhưng trên thực tế gặp trường hợp có bị hại không có giấy tờ có giá trị pháp lý ghi nhận ngày, tháng, năm sinh hoặc có nhưng chỉ có năm sinh không có ngày, tháng sinh. Có trường hợp bị hại có nhiều giấy tờ xác nhận nhưng ngày, tháng, năm sinh lại mâu thuẫn, không phù hợp, trùng khớp nhau...Do vậy việc tính tuổi của người bị hại gặp rất nhiều khó khăn.
Biên bản ghi lời khai người bị hại dưới 16 tuổi chỉ có giá trị pháp lý khi có cha, mẹ, người đại diện hợp pháp hoặc thầy cô giáo của họ tham dự (Điều 137 Bộ luật tố tụng hình sự). Trên thực tế xảy ra trường hợp người bị hại là trẻ em dưới 16 tuổi sống lang thang, không có cha, mẹ và người thân và không được đi học nên không có thầy, cô giáo. Trong trường hợp này ai là người đứng ra giám hộ cho các em khi lấy lời khai cũng là một vấn đề gặp rất nhiều khó khăn. Hoặc trường hợp cha, mẹ, người thân của người bị hại dưới 16 tuổi không hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng giám hộ cho các em, nhưng pháp luật không quy định chế tài xử lý đối với họ nên đã dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án .
2. Những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự có người bị hại là người chưa thành niên:
Đối với người tiến hành tố tụng tham gia giải quyết vụ án hình sự có tội danh xâm hại trẻ em phải là những người có hiểu biết và có kinh nghiệm thực tế về tâm lý học, khoa học giáo dục, kiến thức xã hội liên quan đến trẻ em. Muốn vậy, cần soạn thảo và bổ sung vào giáo trình, tài liệu giảng dạy những kiến thức về sự phát triển thể chất, nhận thức, tâm lý và quan hệ xã hội của trẻ em cũng như các quyền và nghĩa vụ của trẻ em theo quy định của pháp luật trong các trường đào tạo chức danh tư pháp (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký tòa án). Hội đồng nhân dân (cấp huyện và cấp tỉnh) cần lựa chọn và bầu một số Hội thẩm nhân dân đã và đang công tác ở những cơ quan, tổ chức, đoàn thể liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, giáo viên) để tham gia giải quyết các vụ án hình sự có tội danh xâm hại trẻ em.
Chuyên môn hóa đối với những người tiến hành tố tụng, nhất là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên nói chung và trẻ em nói riêng. Có như vậy, những người tiến hành tố tụng mới có kiến thức về tâm, sinh lý trẻ em, những kinh nghiệm trong việc giải quyết vụ án hình sự liên quan đến trẻ em và những hiểu biết khác.
Nâng cao kỹ năng thực hiện các hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có tội danh xâm hại trẻ em. Bên cạnh kiến thức về tâm, sinh lý trẻ em, nếu người tiến hành tố tụng có phẩm chất tâm lý bình tĩnh, thận trọng và vô tư (được biểu lộ trong lời nói, cách cư xử và hành vi) khi thực hiện hành vi tố tụng một mặt giúp cho việc giao tiếp tư pháp (trong xác minh; thu thập chứng cứ) đạt hiệu quả cao hơn, mặt khác giúp cho người tiến hành tố tụng luôn chủ động, phán đoán, suy luận logic và có niềm tin nội tâm (trong xây dựng các giả thuyết điều tra; lập kế hoạch điều tra; đánh giá chứng cứ, chứng minh tội phạm và áp dụng pháp luật) được khách quan, chính xác, công bằng.
Chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra giải pháp "Tăng quyền hạn, trách nhiệm tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để họ chủ động thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng". Trách nhiệm hay nghĩa vụ là một khái niệm mang màu sắc pháp lý, tuy vậy lại là một tố chất của đạo đức nghề nghiệp. Người tiến hành tố tụng có trách nhiệm ý thức được rằng hành vi của mình không phải chỉ liên quan đến một người, một tổ chức trong xã hội mà có thể còn liên quan đến nhiều người, nhiều gia đình, nhiều tổ chức trong xã hội. Nếu một Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người bị hại là trẻ em thì không thể nói đó là một người người tiến hành tố tụng có đạo đức nghề nghiệp. Chỉ vì một chút thiếu trách nhiệm trong điều tra, xác minh thu thập chứng cứ, chứng minh buộc tội, xét xử, ra bản án hoặc quyết định thì cũng có thể sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được, không chỉ không bảo vệ được trẻ em, mà còn có thể gây ảnh hưởng rất xấu đến sự trưởng thành của trẻ em.
Có chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với sức lao động của người tiến hành tố tụng hình sự, cũng là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có tội danh xâm hại trẻ em. Xuất phát từ đặc điểm lao động của người tiến hành tố tụng là lao động trí não, đầy khó khăn, phức tạp đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của xã hội, của công dân. Hoạt động của người tiến hành tố tụng phải chịu nhiều áp lực từ phía xã hội và công luận. Người tiến hành tố tụng hình sự là người đại diện cho Nhà nước và hoạt động tố tụng gắn liền với việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế liên quan đến sinh mệnh của một con người, vì vậy trách nhiệm đòi hỏi Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân là rất lớn nhất là trong việc xử lý các vụ án có người bị hại là người chưa thành niên./.
Nguyễn Mậu Sơn