Ngày 26/11/2014, Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc giang đăng bài viết “Trao đổi vướng mắc khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự” của tác giả Nguyễn Thị Kim Oanh – Viện KSND huyện Tân Yên. Tác giả đưa ra một tình huống xảy ra tại phiên tòa xét xử sơ thẩm về hình sự có nhiều quan điểm xử lý khác nhau.
Tóm lược tình huống như sau: Tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hoàng Văn B phạm tội Buôn bán hàng cấm, bị cáo B đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để mời người bào chữa. Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận vì lý do trong quá trình điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử thì bị cáo đã được giải thích về quyền mời người bào chữa nhưng bị cáo không mời người bào chữa mà tự bào chữa cho bản thân. Từ tình huống này, tác giả bài viết đưa ra 3 quan điểm xử lý:
Một là, Kiểm sát viên vẫn tiến hành việc công bố cáo trạng, trình bày luận tội sau phiên tòa đề xuất lãnh đạo viện xem xét kháng nghị phúc thẩm;
Hai là, Kiểm sát viên không công bố cáo trạng, không thực hiện luận tội;
Ba là, Kiểm sát viên chỉ công bố cáo trạng, khi thực hiện luận tội thì tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để bị cáo thực hiện quyền bào chữa.
Theo chúng tôi, cả 3 quan điểm xử lý tình huống mà tác giả bài viết đã đưa ra đều chưa có tính thuyết phục, bởi lẽ:
Thứ nhất, trong quá trình điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử thì bị cáo đã được các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Như vậy là các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng nhiệm vụ bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự;
Thứ hai, nghiên cứu tất cả các trường hợp hoãn phiên tòa sơ thẩm được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và Quy chế kiểm sát xét xử đều chưa có quy định về việc Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa, Hội đồng xét xử phải xem xét quyết định hoãn phiên tòa khi bị cáo đề nghị hoãn phiên để mời người bào chữa như tình huống bài viết đã nêu. Hơn nữa, Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự quy định nếu bị cáo đã mời người bào chữa mà tại phiên tòa người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án, chỉ phải hoãn phiên tòa trong trường hợp người bào chữa theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự vắng mặt;
Thứ ba, Điều 20 Quy chế kiểm sát xét xử quy định trường hợp Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận thì Kiểm sát viên vẫn phải tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Từ đó cho thấy trong tình huống tác giả bài viết đã nêu, việc Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa là chưa có căn cứ pháp lý. Sau khi Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để bị cáo mời người bào chữa nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận, vẫn tiếp tục xét xử, nếu Kiểm sát viên không thực hiện việc công bố cáo trạng, trình bày bản luận tội theo như quan điểm thứ hai là vi phạm Quy chế xét xử. Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo xem xét kháng nghị phúc thẩm theo như quan điểm thứ nhất, cũng là quan điểm của tác giả bài viết là chưa có căn cứ pháp lý để đảm bảo cho việc kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.
Tình huống bài viết nêu ra xảy ra không ít trên thực tiễn xét xử án hình sự, việc Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị hoãn phiên tòa của bị cáo B và Kiểm sát viên là đúng pháp luật. Hội đồng xét xử cần tiếp tục tiến hành xét xử và Kiểm sát viên phải thực hiện việc công bố bản Cáo trạng và trình bày bản luận tội. Quyền bào chữa của bị cáo B đã được đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu bị cáo muốn mời người bào chữa thì giải thích cho bị cáo thực hiện quyền mời người bào chữa ở giai đoạn xét xử phúc thẩm sau khi đã thực hiện quyền kháng cáo.
Vậy tôi xin trao đổi phản hồi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Kim Oanh đồng thời mong muốn các độc giả, đồng nghiệp trao đổi thêm.
Đặng Bá Hưng