ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 25/11/2024 -00:50 AM

Một số giải pháp để nâng cao chất lượng bản Yêu cầu điều tra.

 | 

Đề ra yêu cầu điều tra là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên. Thực hiện tốt việc đề ra yêu cầu điều tra sẽ góp phần xử lý vụ án đảm bảo đúng pháp luật, không xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Khoản 2 Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra”.

Điều 19 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 2/1/2008 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định:“Kiểm sát viên chủ động trao đổi với Điều tra viên được phân công điều tra vụ án về những vấn đề cần điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường và trong quá trình điều tra”.

Chỉ thị số06/CT-VKSTCngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”yêu cầu Viện kiểm sát các cấp chủ động, tích cực đề ra yêu cầu điều tra đảm bảo có căn cứ, sát với nội dung vụ án. Kiểm sát viên phải nắm chắc tiến độ điều tra, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để xử lý vụ án kịp thời.

Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 của VKSTC-BCA-TATC hướng dẫn quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định về trách nhiệm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung: “Không đề ra yêu cầu điều tra hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề có thể phát hiện được dẫn đến sau đó vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung”.

Kế hoạch công tác hàng năm của ngành Kiểm sát Bắc Giang đều yêu cầu các đơn vị phải thực hiện tốt các quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự trong đó chú trọng việc đề ra yêu cầu điều tra...

Như vậy, đề ra yêu cầu điều tra là nhiệm vụ và nhưng cũng là quyền hạn của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự và có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, Kiểm sát viên cần xác định việc đề ra yêu cầu điều tra là việc làm bắt buộc nghĩa là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra bất kỳ vụ án hình sự nào thì đều phải ban hành yêu cầu điều tra không phân biệt tính chất vụ án, mức độ, hậu quả của tội phạm.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra về những nội dung sau:

Thứ nhất, yêu cầu điều tra với những nội dung mang tính định hướng cho hoạt động điều tra, thể hiện qua các dạng yêu cầu như yêu cầu tiến hành điều tra những tình tiết của vụ án chưa được điều tra hoặc đã được điều tra nhưng chưa rõ; chứng minh tính có căn cứ của những chứng cứ do Cơ quan điều tra đã thu thập; giải quyết các mâu thuẫn giữa các chứng cứ; yêu cầu Cơ quan điều tra ban hành và thực hiện các quyết định tố tụng hình sự để giải quyết vụ án hoặc định hướng giải quyết vụ án như: Quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định nhập, tách, chuyển vụ án hình sự, các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra , quyết định bổ sung, thay đổi quyết định khởi tố bị can ...

Thứ hai, yêu cầu điều tra về những nội dung mang tính chỉ dẫn cho hoạt động điều tra như: Yêu cầu áp dụng và thực hiện các biện pháp để thu thập chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; thực nghiệm điều tra; khám xét dấu vết trên thân thể; trưng cầu giám định; giám định bổ sung; giám định lại; khám xét, thu giữ đồ vật tài sản; yêu cầu lấy lời khai người tham gia tố tụng, hỏi cung bị can về những nội dung cần chứng minh, làm rõ, yêu cầu tiến hành đối chất, nhận dạng; yêu cầu áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn...

Một bản yêu cầu điều tra có chất lượng phải đảm bảo cả về hình thức và nội dung. Hình thức văn bản được soạn thảo và ban hành theo mẫu quy định. Nội dung yêu cầu điều tra phải đảm bảo cụ thể, rõ ràng, đúng trọng tâm và cần thiết để làm rõ tất cả các vấn đề pháp lý của vụ án, có tính khả thi, không mang tính hình thức.

Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, chúng tôi cho rằng để nâng cao chất lượng bản yêu cầu điều tra cần thực hiện  một số giải pháp sau:

- Kiểm sát viên cần nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành yêu cầu điều tra; phải xác định việc ban hành yêu cầu điều tra là nhiệm vụ bắt buộc trong quá trình kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, đối với bất kỳ vụ án nào và nhất thiết phải thực hiện bằng văn bản; tuyệt đối tránh hình thức, qua loa.

- Trước khi ban hành yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. Nội dung yêu cầu điều tra phải được xây dựng dựa trên thông tin được phản ánh qua các tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra thu thập theo quy định của pháp luật, không được dựa trên suy diễn chủ quan và điều quan trọng là Cơ quan điều tra có thể thực hiện được theo quy định của pháp luật; cần tập chung vào việc yêu cầu thực hiện các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ và thủ tục tố tụng của vụ án.

- Yêu cầu điều tra phải được đề ra sớm ngay khi vụ án được khởi tố hoặc Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Đồng thời phải được thay đổi, bổ sung khi hoạt động điều tra thu thập được những tài liệu, chứng cứ mới của vụ án mà cần thiết phải được chứng minh làm rõ.

 - Lãnh đạo Viện kiểm sát cần chú trọng quan tâm việc hướng dẫn, chỉ đạo kiểm sát viên đối với việc ra yêu cầu điều tra và nhất thiết phải duyệt văn bản này trước khi ban hành; thường xuyên tiến hành rút kinh nghiệm trong đơn vị; tăng cường công tác bồi dưỡng tại chỗ cho Kiểm sát viên về kỹ năng xây dựng bản yêu cầu điều tra.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả việc đề ra yêu cầu điều tra góp phần giải quyết vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp./.

                                                                                  Nguyễn Ngọc Cường

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,446,024
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.172.189

    Thư viện ảnh