.

Thứ hai, 06/05/2024 -00:19 AM

Vướng mắc trong thi hành án dân sự liên quan đến việc kê biên và bán tài sản thuộc loại tươi sống, mau hỏng

 | 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000đ hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.Vậy tài sản tươi sống, mau hỏng là loại tài sản gì?

Tại điểm b khoản 3 mục IV Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT/BTP-VKSTC ngày 26/2/2001 của Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự quy định: “Đối với tài sản thuộc diện tươi sống, mau hỏng như: rau quả, thực phẩm tươi sống... , sau khi kê biên, cơ quan thi hành án tổ chức bán ngay với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi bán tài sản và phải lập biên bản về việc bán tài sản”.

Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT có hiệu lực từ ngày 13/03/2001. Sau đó được thay thế bằng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 26/07/2010 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2010. Tuy nhiên trong Thông tư liên tịch số 14/2010 không có quy định nào hướng dẫn về tài sản tươi sống, mau hỏng để chấp hành viên có thể áp dụng vào thực tiễn thi hành nhiệm vụ.

Thực tế trong quá trình thi hành án đã xảy ra nhiều trường hợp có sự bất đồng quan điểm về việc hiểu thế nào là tài sản tươi sống, mau hỏng, dẫn đến việc Chấp hành viên lúng túng trong hoạt động nghiệp vụ. Có những tài sản tươi sống dễ nhận biết như thủy, hải sản; tuy nhiên cũng có những loại tài sản khó phân biệt có phải là tài sản tươi sống hay không như gia súc (con bò, con dê…), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng…). Do vậy ở một số nơi, có quan điểm coi đó không phải là tài sản tươi sống và bắt buộc phải bán qua thủ tục bán đấu giá. Nhưng lại có quan điểm cho rằng đó là tài sản tươi sống, sau khi kê biên tài sản có quyền bán mà không qua thủ tục bán đấu giá.

Như vậy, chỉ một tình huống phát sinh trên thực tế nhưng lại có những quan điểm khác nhau do không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Mong rằng sau khi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua trong thời gian tới sẽ có hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết và cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo cho quyền lợi của các bên đương sự.

Đặng Minh Hà

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,840,678
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.225.31.159

    Thư viện ảnh